Chỉ số cải cách hành chính: Thông điệp từ những con số
UBND tỉnh vừa công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) 2015 của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Thông qua Chỉ số CCHC sẽ xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện CCHC. Qua đó giúp các sở, ban, ngành và các địa phương có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện CCHC hằng năm, góp phần nâng cao hiệu quả CCHC, các cơ quan hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hướng đến xây dựng nền hành chính phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Chỉ số CCHC được xác định trên 7 lĩnh vực gồm: chỉ đạo, điều hành công tác CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính. Trong đó, Chỉ số CCHC các sở, ban, ngành tương ứng với 7 chỉ số thành phần, 28 tiêu chí và 91 tiêu chí thành phần; Chỉ số CCHC các huyện, thị xã, thành phố tương ứng với 7 chỉ số thành phần, 29 tiêu chí và 108 tiêu chí thành phần.
Người dân đến làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Sở Tư pháp. |
Chỉ số CCHC năm 2015 cho thấy kết quả đạt được của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố có xu hướng đồng đều hơn, khoảng cách giữa các sở, ban, ngành cũng như giữa các huyện, thị xã, thành phố cũng thu hẹp hơn. Đã có 8 sở, ban, ngành có Chỉ số CCHC đạt trên 80%; cấp huyện đã có 5 đơn vị đạt số điểm trên 70%. Kết quả này cho thấy người đứng đầu các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đã có sự quan tâm hơn đến công tác CCHC so với năm 2014.
Qua phân tích, đánh giá, xác định Chỉ số CCHC năm 2015 cho thấy những kết quả tích cực của những đơn vị đứng đầu và những hạn chế, tồn tại của các đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng và đạt chỉ số thấp. Cụ thể, đối với các sở, ban, ngành: điểm số trung bình Chỉ số CCHC năm 2015 của 5 đơn vị đứng đầu (Sở Tài Chính, Cục Hải quan tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ) là 83,71%, trong khi đó con số này của 5 đơn vị đứng cuối (Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải, Ban Dân tộc tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh) là 61,38%, chênh lệch 22,33%. Điều này cho thấy khoảng cách khá lớn giữa hai nhóm này. Đối với nhóm dẫn đầu, các chỉ số thành phần đều đạt kết quả ở mức khá cao và đồng đều. Trong khi đó, ở nhóm cuối bảng xếp hạng, các chỉ số thành phần của những đơn vị này thường không cao, nhiều chỉ số dưới ngưỡng trung bình và có sự chênh lệch về kết quả đạt được của các chỉ số thành phần trong từng đơn vị. Các chỉ số thành phần chỉ đạo điều hành, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và cải cách TTHC là 3 lĩnh vực yêu cầu sự chủ động, trực tiếp thực hiện của các sở, ban, ngành. Nhóm đứng đầu có kết quả rất cao đối với các lĩnh vực này, đạt trên 70%, có những đơn vị đạt trên 90%; nhưng tại nhóm đứng cuối, các lĩnh vực này lại không được quan tâm thực hiện đầy đủ nên kết quả đạt được thấp, thậm chí có nơi đạt dưới 50%. Các chỉ số thành phần cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuy không có sự chênh lệch lớn nhưng vẫn có thể thấy rõ sự khác biệt trong kết quả đạt được của 2 nhóm này...
Đối với các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ số CCHC năm 2015 trung bình của 5 huyện, thị xã, thành phố đứng đầu (các huyện: Cư Kuin, Cư M’gar, Ea Kar, TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ) là 72,45%, cao hơn 16,2% so với 5 đơn vị đứng cuối (các huyện: Krông Ana, Buôn Đôn, M’Đrắk, Ea Súp, Krông Năng) là 56,25%. Điều này cho thấy vẫn có sự chênh lệch lớn trong việc thực hiện CCHC giữa các huyện, thị xã, thành phố. Điểm chung của 5 đơn vị đứng đầu là Chỉ số thành phần Chỉ đạo, điều hành CCHC đều đạt kết quả cao; ngược lại, chỉ số thành phần này ở các nhóm đứng cuối lại thấp, chỉ xấp xỉ 50%. Điều này chứng tỏ trách nhiệm của người đứng đầu có ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện CCHC tại địa phương. Các lĩnh vực xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều được thực hiện tốt ở nhóm dẫn đầu; ở nhóm còn lại, kết quả các lĩnh vực trên đều không cao. Điểm chung nữa ở các huyện, thị xã, thành phố là hai chỉ số thành phần cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính đều đạt kết quả thấp, ngay cả ở nhóm dẫn đầu, 2 chỉ số thành phần này có giá trị trung bình lần lượt là 45,11% và 46,11%. Đây là một tín hiệu tiêu cực đối với công tác CCHC trên địa bàn tỉnh, cũng là một chỉ báo quan trọng để UBND các huyện, thị xã, thành phố có hướng xử lý, cải thiện trong thời gian tới.
Có thể nói, qua kết quả Chỉ số CCHC 2015 của các sở, ban, ngành, địa phương phần nào đánh giá được công tác CCHC tại các đơn vị; đây cũng là thước đo sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, suy cho cùng, CCHC là để đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ hành chính công, đối với chỉ đạo, điều hành của các cơ quan công quyền, đối với đạo đức và trình độ của công chức, viên chức Nhà nước. Do vậy việc công bố Chỉ số CCHC không phải để các sở, ngành, địa phương tiến hành “phân tài cao thấp”; mà quan trọng hơn là người dân, doanh nghiệp được lợi gì từ tiến trình CCHC của cơ quan công quyền – như đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã nhấn mạnh khi nói về vấn đề này...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc