Multimedia Đọc Báo in

Nông dân huyện Cư Kuin thi đua làm theo lời Bác

06:18, 27/08/2016

Những năm qua, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn được các cấp Hội Nông dân huyện Cư Kuin triển khai sâu rộng, gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Ông Trần La, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin cho biết, để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực sự đi vào cuộc sống, Hội Nông dân huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể theo chủ đề từng năm và triển khai đến tất cả các cơ sở Hội. Qua đó, đã giúp các cấp Hội chủ động sửa đổi lề lối và phương pháp làm việc khoa học, sát với cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của nông dân; gắn việc học tập và làm theo lời Bác với thực hiện các phong trào thi đua như: Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; nông dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Anh Y Phốt Bđap ở buôn Ea Mtar, xã Ea Bhốk (bên phải) đang trao đổi về kỹ thuật trồng,  chăm sóc vườn tiêu nhà mình.
Anh Y Phốt Bđap ở buôn Ea Mtar, xã Ea Bhốk (bên phải) đang trao đổi về kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn tiêu nhà mình.

Thực hiện lời dạy của Bác “Nói đi đôi với làm”, Hội Nông dân huyện đã thường xuyên phối hợp với trạm khuyến nông và ngành chức năng địa phương mỗi năm tổ chức từ 15 - 20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; chủ động liên kết, phối hợp với các công ty phân bón cung ứng gần 1.000 tấn phân bón trả chậm/năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất cho người dân. Ngoài ra, Hội còn làm tốt vai trò cầu nối giữa ngân hàng với hội viên, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua việc tín chấp của các cấp Hội nông dân huyện là trên 64 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hằng năm, các cấp Hội còn huy động đóng góp quỹ tiết kiệm để tạo điều kiện cho các gia đình hội viên khó khăn vay vốn sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tính đến nay, Hội đã huy động được khoảng 3 tỷ đồng tiền quỹ, mỗi năm hỗ trợ cho hàng chục hộ hội viên có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế.

Qua việc phát động học tập và làm theo lời Bác đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong phong trào “Hội viên nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” như gia đình anh Y Phốt Bđap, trú tại buôn Ea Mtar (xã Ea Bhốk). Trước đây, gia đình anh Y Phốt là hộ nghèo, kinh tế chỉ trông chờ vào 3 sào cà phê già cỗi. Năm 2000, gia đình anh được Hội Nông dân xã hỗ trợ cho vay vốn làm ăn không lãi suất là 5 triệu đồng từ nguồn quỹ hội, cộng với việc hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng hiệu quả. Anh đã mạnh dạn mua giống bơ, mít về trồng xen trong vườn cà phê nhà mình. Nhờ chịu khó làm ăn, chỉ 3 năm sau anh Y Phốt đã thoát nghèo, trả hết nợ, mua thêm rẫy để canh tác. Hiện nay, anh có 5 ha bơ, sầu riêng, 3 ha tiêu và 2 ha cà phê, mỗi năm cho thu nhập trên 2 tỷ đồng. Còn với gia đình cựu chiến binh Trần Văn Hiền ở thôn 7, xã Ea Bhốk lại khác. Sau khi xuất ngũ, ông Hiền trở về quê Nam Định sinh sống, song do điều kiện làm kinh tế khó khăn nên năm 1993, cả gia đình chuyển vào Đắk Lắk lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Sau nhiều năm chịu khó làm ăn, đến nay, gia đình ông đang có 5 sào tiêu, 3 sào cà phê, 3.000 con vịt đẻ và 7 sào ao cá, thu nhập từ 600 - 700 triệu đồng/năm. Ông Hiền được đánh giá là hội viên nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực, gương mẫu tham gia công tác hội, là tấm gương sáng để các hội viên, nông dân khác noi theo về nghị lực vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế.

Ông Trần La cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Cư Kuin sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, hội viên, nông dân việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn; tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình trong việc học và làm theo lời Bác ở các cấp hội; lấy việc học tập và làm theo lời Bác để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng phát triển.          

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.