Dạy nghề, tạo viêccj làm cho người khuyết tật: Cần sự gắn kết chặt chẽ hơn
Mặc dù tỉnh đã quan tâm, triển khai công tác dạy nghề, tạo việc làm nhằm giúp người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng nhưng thực tế số lượng người khuyết tật tham gia học nghề chưa nhiều, hiệu quả tạo việc làm còn hạn chế.
Khó khăn trăm bề
Để đưa chính sách hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật đến với chính quyền và người dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã chú trọng lồng ghép nội dung trên trong các lớp tập huấn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho người khuyết tật. Năm 2015, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sơ tuyển học nghề cho người khuyết tật với sự tham gia của các huyện, thị xã, thành phố và 2 cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn. Tuy nhiên, số lượng người khuyết tật tham dự chưa nhiều (chỉ khoảng 150 người). Sau khi sơ tuyển cũng chỉ tổ chức được 2 lớp dạy nghề may và điêu khắc gỗ cho 35 người khiếm thính.
Bà Phạm Thị Loan, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH thẳng thắn nhìn nhận: “Phần lớn người khuyết tật đều có tâm lý ngại đi xa, mặc cảm, thiếu tự tin và phụ thuộc vào sự chăm sóc của gia đình. Thêm vào đó, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa có trung tâm và đội ngũ giáo viên đào tạo nghề chuyên biệt dành riêng cho người khuyết tật mà chủ yếu là dạy lồng ghép nên hiệu quả chưa cao”.
Không chỉ khó khăn trong công tác chiêu sinh, mở lớp, vấn đề việc làm cho người khuyết tật cũng gặp nhiều trở ngại. Đơn cử như tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh, bên cạnh việc dạy văn hóa, những năm qua, Trung tâm cũng nỗ lực thực hiện công tác hướng nghiệp, dạy nghề tranh ghép gỗ mỹ nghệ, làm hoa voan, quà lưu niệm bằng giấy cho học sinh khuyết tật. Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm đã giới thiệu trên 50 em vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, công ty nhưng hơn 50% trong số đó đã nghỉ việc. Nguyên nhân là do một số chủ cơ sở trả thù lao chưa tương xứng hoặc đối xử không tốt với các em; một số em còn ham chơi và chưa thích ứng được với cuộc sống xa gia đình...
Sở LĐTBXH tư vấn tuyển sinh dạy nghề cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. |
Trên thực tế, vấn đề việc làm của đối tượng này gặp khó cũng vì phần lớn các doanh nghiệp vẫn e ngại nhận người khuyết tật vào làm việc. Anh Trần Đăng Đạo, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Đăng Đạo (TP. Buôn Ma Thuột) – nơi đã nhận 5 người khiếm thính vào học và làm nghề cho biết: “Để nhận người khuyết tật vào làm việc phải tổ chức đào tạo lại và bố trí nơi ăn, ở, điều kiện làm việc phù hợp với thể trạng của họ. Do vậy, chủ cơ sở cần có sự đồng cảm, kiên nhẫn và cả tấm lòng vì người khuyết tật”.
Cần sự quan tâm nhiều hơn
Theo kết quả điều tra, tổng hợp của Sở LĐTBXH, đến năm 2015, toàn tỉnh có 16.111 người khuyết tật, bao gồm các dạng khuyết tật trí tuệ, vận động, nhìn, nghe, nói, thần kinh, tâm thần… Trong đó có 4.705 người khuyết tật nhẹ, 8.055 người khuyết tật nặng và 3.351 người khuyết tật đặc biệt nặng. So với tổng số học sinh trong toàn tỉnh, mới chỉ có 0,05% người khuyết tật có trình độ THPT; 0,44% có trình độ THCS, 0,47% có trình độ tiểu học. Bởi vậy, việc lựa chọn nghề học phù hợp với trình độ, sức khỏe của người khuyết tật cũng rất khó khăn. Trong khi đó, theo quy định, những nghề dạy cho người khuyết tật cũng nằm trong danh mục nghề chung của lao động nông thôn.
Để khuyến khích người khuyết tật học nghề, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Chẳng hạn như Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, ngày 28-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa là 6 triệu đồng/người/khóa học và cả tiền ăn, ở, đi lại cho người khuyết tật. UBND tỉnh cũng có Quyết định số 441/QĐ-UBND, ngày 13-2-2015 về việc quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo 22 nghề sơ cấp miễn phí cho người khuyết tật trên địa bàn (từ 3 triệu – 6 triệu đồng/người/khóa). Nhưng trên thực tế, người khuyết tật vẫn chưa “mặn mà” với việc học nghề.
Theo ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, để giải quyết “bài toán” dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, trước hết, các cấp, ngành, xã hội và cộng đồng nên quan tâm hơn đến việc hỗ trợ cho những hoạt động vì người khuyết tật, đầu tư xây dựng cơ sở dạy nghề chuyên biệt cho người khuyết tật để họ có thể học được những nghề phù hợp với thị trường lao động; nâng mức hỗ trợ cho người khuyết tật tham gia học nghề. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền và giúp đỡ người khuyết tật tiếp cận các lớp đào tạo nghề. Các doanh nghiệp cũng nên thay đổi quan niệm trong tuyển dụng người khuyết tật, tạo điều kiện cho họ làm việc.
Rõ ràng, sự vào cuộc, liên kết, phối hợp của các cấp, ngành, đơn vị liên quan là cần thiết, song để công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật đạt hiệu quả cao đòi hỏi chính bản thân người khuyết tật phải thực sự nỗ lực vươn lên, vượt qua chính mình.
Trong 5 năm (2011-2015), toàn tỉnh mới có 81 người khuyết tật nặng trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề và chỉ có 30 người đã tốt nghiệp; 22 người được giới thiệu việc làm. Phần lớn người khuyết tật và gia đình họ tự tạo việc làm, rất ít người khuyết tật được các doanh nghiệp nhận vào làm việc. |
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc