Để lao động nữ tự khẳng định mình
Quan tâm, chăm lo đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để chị em thi đua trong công tác, lao động sản xuất đã giúp công nhân, viên chức, lao động nữ tự khẳng định mình trong thời kỳ hội nhập.
Gần gũi, sẻ chia
Toàn tỉnh hiện có trên 43.000 nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), chiếm 51,8% tổng số CNVCLĐ. Nhìn chung, đời sống của phần lớn nữ CNVCLĐ còn nhiều khó khăn, nhất là lao động nữ làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Để lao động nữ yên tâm làm việc, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo LĐLĐ tỉnh, công đoàn các cấp chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của chị em bằng nhiều hoạt động thiết thực.
Cán bộ Hội Phụ nữ các cấp tham quan, tìm hiểu sản phẩm của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: N. Xuân |
LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với công đoàn các cơ quan, đơn vị tổ chức khảo sát tình hình đời sống, từ đó phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho lao động nữ. Các cấp công đoàn cũng tăng cường phối hợp với ngành chức năng phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội cho nữ CNVCLĐ. Ban nữ công và công đoàn các cấp còn thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em để kịp thời giải quyết những vướng mắc tại cơ sở. Vào các các ngày lễ 8-3, 1-5, 20-10... nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã tặng quà, tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao, hội diễn, hội thi, tạo “sân chơi” cho nữ CNVCLĐ giao lưu, học tập.
Đơn cử như Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk. Theo chị Hồ Thị Thanh Xuân, Trưởng Ban nữ công công ty, để 111 cán bộ, lao động nữ gắn bó, toàn tâm toàn ý với công việc, Ban nữ công đã tham mưu với Ban chấp hành công đoàn, Ban giám đốc công ty tạo điều kiện cho chị em học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động như gặp mặt, tọa đàm, giao lưu văn nghệ, thể thao, tham quan dã ngoại… nhân dịp lễ, Tết. Đồng thời tham mưu xây dựng Quỹ “Vì phụ nữ nghèo” với số tiền 41 triệu đồng cho nữ lao động khó khăn vay không tính lãi…
Chị Tòng Thị Hiếu, công nhân công ty chia sẻ: “Không chỉ được vay 4 triệu đồng từ Quỹ “Vì phụ nữ nghèo”, gia đình tôi còn được Ban nữ công, Công đoàn công ty đề xuất với Công đoàn ngành Công thương hỗ trợ 50 triệu đồng, công ty giúp thêm 4 triệu đồng xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn” để có nơi ở ổn định, yên tâm công tác”.
Tạo động lực thi đua sôi nổi
Để tạo môi trường cho lao động nữ thể hiện năng lực, bản lĩnh, các cấp công đoàn trong tỉnh còn cụ thể hóa nội dung thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, lĩnh vực công tác. Lao động nữ ở các doanh nghiệp đã tích cực trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hành tiết kiệm. Đối với nữ CNVCLĐ ngành Y, các chị đã nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt 12 điều quy định về y đức. Nữ CNVCLĐ ngành Giáo dục - đào tạo chú trọng sử dụng công nghệ thông tin và áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy…
Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho lao động nữ tại Công ty TNHH May Tây Nguyên. Ảnh: N. Xuân |
Chị Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Trưởng khoa Nội – Nhi – Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk – một trong những nữ CNVCLĐ được tuyên dương “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấp tỉnh năm 2015 bộc bạch: “Đặc thù của ngành Y phải thường xuyên trực đêm, tiếp xúc với nguồn lây, áp lực công việc nhiều nhưng với tinh thần phục vụ người bệnh, tôi luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với thiên chức làm vợ, làm mẹ, tôi sắp xếp, thu vén mọi việc, chăm lo cho mẹ già và 2 con ăn học chu đáo để chồng yên tâm công tác xa nhà. Nỗ lực đó đã được cấp trên ghi nhận, nhưng niềm vui lớn hơn cả là tôi đã vun đắp, giữ gìn được ngọn lửa hạnh phúc gia đình”.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Võ Thị Hạnh khẳng định: “Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các cấp công đoàn đã đặc biệt quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ, nhất là chế độ tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp thai sản, ốm đau... Đồng thời tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi để nữ CNVCLĐ khẳng định năng lực, vị thế, vai trò của mình trong thời kỳ CNH – HĐH đất nước”.
Qua 5 năm (2010-2015) thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, toàn tỉnh đã có trên 19.000 sáng kiến kinh nghiệm, gần 150 đề tài khoa học của chị em được áp dụng vào thực tiễn, có giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng. Trên 17.000 lượt chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp; trên 90.000 lượt chị đạt danh hiệu Lao động tiên tiến… |
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc