Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ nhà ở cho người nghèo: Lan tỏa từ Chương trình 167

10:02, 18/10/2016

Tiếp tục hướng đến người nghèo, Chương trình 167 giai đoạn 2 đang được tỉnh tích cực triển khai, được kỳ vọng sẽ giải quyết một phần nhu cầu bức thiết về nhà ở tại nông thôn, giảm nghèo bền vững; nâng cao ý thức cộng đồng, tương thân, tương ái, ý thức tự vươn lên…

Dấu ấn giai đoạn 1

Được thực hiện từ năm 2008, với tổng kinh phí trên 345 tỷ đồng, Chương trình 167 giai đoạn 1 đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 13.220 hộ, trong đó, năm 2009 xây dựng 3.410 nhà; năm 2010, hỗ trợ xây dựng 9.810 hộ. Đắk Lắk cũng là một trong những địa phương có nhiều giải pháp tích cực để đưa chương trình về đích trước thời hạn 2 năm.

Có thể khẳng định, nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, cùng sự hưởng ứng tích cực từ mỗi gia đình, cộng đồng nên Chương trình 167 ở tỉnh ta đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp các hộ nghèo có nhà ở ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Điều này đã tạo nên sự đồng thuận, phấn khởi trong nhân dân và có tác dụng tích cực trong việc huy động nguồn hỗ trợ bằng vốn, nhân công trực tiếp từ các tổ chức đoàn thể nơi người dân cư trú cũng như dòng họ, gia đình để giúp các hộ nghèo xóa nhà tạm được nhanh chóng...

Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo ở TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: L.Hương
Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo ở TP. Buôn Ma Thuột.  Ảnh: L.Hương

Theo Sở Xây dựng, Chương trình nhà ở 167 đã thực sự đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa mạnh mẽ bởi đây là chính sách phù hợp và mang tính khả thi cao, ngoài sự chủ động về nguồn kinh phí cùng với nhiều cách làm sáng tạo của địa phương, chương trình đã phát huy tốt phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, dân tự làm”. Minh chứng cụ thể là giai đoạn này, đã huy động từ dòng họ, người thân, doanh nghiệp được hơn 91 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là huy động từ dòng họ và gia đình người được thụ hưởng gần 74 tỷ đồng.

Trên 10.400 hộ  tiếp tục được hỗ trợ về nhà ở

Theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10.420 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ xây nhà ở theo Chương trình 167 giai đoạn 2. Trong đó, một số địa phương có số hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở cao như: Krông Bông (1.036 hộ), Krông Pắc (1.578 hộ), Lắk  (933 hộ), Ea Súp (729 hộ), Ea Kar (812 hộ)...Tổng số vốn cần có để thực hiện trên 371,212 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội 260,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 43,813 tỷ đồng; vốn huy động tại địa phương từ Quỹ “Ngày vì người nghèo" 14,799 tỷ đồng; dự kiến vốn huy động của cộng đồng, dòng họ và chính gia đình được hỗ trợ  52,1 tỷ đồng.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, cùng sự hưởng ứng tích cực từ mỗi gia đình, cộng đồng nên Chương trình 167 ở tỉnh ta đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp các hộ nghèo có nhà ở ổn định, vươn lên trong cuộc sống.

Đến nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, tổ chuyên viên, hoàn thành các công tác chuẩn bị; tổ chức thực hiện rà soát lại, xác định chính xác số hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở trước khi xây dựng, nhằm bảo đảm thực hiện chính sách đúng mục tiêu, đối tượng. Đối với nguồn vốn của năm 2016, UBND tỉnh đã phân bổ đủ nguồn ngân sách của địa phương cho các huyện, thị xã, thành phố; nguồn vốn huy động từ UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Doanh nghiệp cơ bản cũng đã được bảo đảm. Riêng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được bố trí 13 tỷ đồng (tương ứng 50% nhu cầu vốn năm 2016 của tỉnh Đắk Lắk). Số còn lại trên 13 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sớm bố trí đủ cho tỉnh để bảo đảm tiến độ đã đề ra.

Nhà ở là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, do đó phải bảo đảm cả về diện tích, chất lượng. So với Chương trình 167 giai đoạn 1, mức cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng, thì Chương trình 167 giai đoạn 2, mức cho vay tối đa lên đến 25 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 3% /năm với thời gian trả tối đa 10 năm, mở ra cơ hội cho người nghèo, cận nghèo có được ngôi nhà khang trang hơn. Đây cũng là chương trình mang tính xã hội hóa cao, thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, dòng họ, hộ gia đình cùng tham gia đóng góp để xây dựng, cho nên ngoài sự hỗ trợ của ngân sách, vốn tín dụng ưu đãi, để Chương trình 167 mang lại hiệu quả, đáp ứng tiêu chí theo chuẩn nông thôn mới rất cần các tổ chức, đoàn thể địa phương tuyên truyền sâu rộng, vận động cộng đồng, dòng họ tiếp tục cùng chung tay giúp sức.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc