Tạo nguồn giúp phụ nữ phát triển kinh tế
Tích cực vận động chị em tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức cụ thể, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã góp phần giúp cải thiện đời sống cho hội viên; đồng thời khẳng định được vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong các phong trào ở địa phương.
Đa dạng hoạt động
Năm 2011, mô hình “Tổ làm công” của Chi hội phụ nữ thôn 8, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) được thành lập với 12 thành viên. Tham gia mô hình này, chị em tổ chức theo các nhóm để thực hiện. Với mức thu nhập ổn định từ 150.000-200.000 đồng/ngày, khi nhận lương hằng tháng, các thành viên đều thống nhất trích 1 triệu đồng gây quỹ giúp chị em phát triển kinh tế.
Cách đây 5 năm, chị Hoàng Thị Chấn là một trong những thành viên đầu tiên được vay quỹ. Với hơn 10 triệu đồng tạo vốn chăn nuôi, chị dồn thêm số tiền tích cóp của gia đình đầu tư nuôi dê. Hiện nay, đàn dê của chị khoảng 20 con, trong đó có 9 con dê mẹ, cho thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi của gia đình chị Chấn, tổ duy trì và phát triển nguồn quỹ để luân phiên giúp đỡ chị em, đến nay đã phát triển được 7 đàn dê với tổng số tiền 180 triệu đồng. Sau hơn 5 năm thành lập, mô hình không chỉ phát huy hiệu quả trong việc giúp các thành viên làm kinh tế mà còn tăng thêm tinh thần đoàn kết, tương trợ giữa các chị em trong chi hội.
Hội viên phụ nữ tham quan mô hình chăn nuôi của gia đình chị Hoàng Thị Chấn. |
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ được vay vốn và duy trì hoạt động các tổ, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Cư M’gar còn tích cực triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nữ ở khu vực nông thôn, trong đó chú trọng tới việc xây dựng các mô hình sau đào tạo để học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Chị Hoàng Thị Chinh (Chi hội phụ nữ tổ dân phố 7, thị trấn Quảng Phú) là một trong những phụ nữ tạo được nguồn thu nhập ổn định từ lớp học nghề do Hội Phụ nữ huyện phối hợp tổ chức. Sau khi tham gia lớp kỹ thuật may công nghiệp năm 2012, với số vốn hơn 2 triệu đồng chị Chinh mua một chiếc máy khâu đã qua sử dụng. Từ kiến thức cơ bản về nghề may kết hợp sự cần cù, chịu khó tìm tòi, học hỏi thêm từ các cơ sở may khác, chị Chinh đã may rèm, màn và dần trở thành địa chỉ may tin cậy của người dân trên địa bàn. Thu nhập từ nghề may cùng với trồng cà phê, gia đình chị Chinh không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ có thu nhập khá ở địa phương.
Phát huy hiệu quả
Nhận thức tầm quan trọng của việc chăm lo cho đời sống hội viên, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar chú trọng phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức tập huấn, hội thảo đến từng chi hội, tham quan mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài địa bàn, hướng dẫn chị em áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hằng năm, Hội phối hợp rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, tìm hiểu nguyên nhân và phân loại đối tượng, đồng thời giao chỉ tiêu mỗi cơ sở Hội trong năm giúp được từ 90% trở lên số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, trong đó có 50% trở lên phải có chuyển biến rõ rệt.
Nhằm tạo nguồn vốn cho chị em có điều kiện đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, ngoài hoạt động khai thác vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các hội cơ sở cũng tích cực huy động trong hội viên thông qua các tổ tiết kiệm, vận động hội viên, phụ nữ giúp nhau giống, vốn, công lao động, cho mượn đất sản xuất để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Với việc tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các kênh và phát huy nội lực, hội viên, phụ nữ huyện Cư M’gar đang từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ hiện đại.
Trong 5 năm (2011-2016), phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã huy động các nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và hỗ trợ trực tiếp cho hơn 8.500 hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó giúp 632 gia đình do phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo. |
Ý kiến bạn đọc