Đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn: Giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội
Công tác đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn được chú trọng với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của lao động nữ, tạo cơ hội để họ tìm kiếm việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Tạo việc làm, tăng thu nhập
Năm 2016 khi được chi hội phụ nữ buôn đến tận nhà vận động học nghề dệt thổ cẩm, chị H’Díu Bkrông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã đăng ký tham gia. Sau 3 tháng học tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng, chị đã thành thạo các thao tác. “Nhờ có lớp dạy nghề do Hội Phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với các đơn vị tổ chức, tôi và nhiều chị em trong buôn đã có thể nhận chỉ và mẫu của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông về tranh thủ làm kiếm thêm thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng”, chị H’Díu bộc bạch.
Hội viên phụ nữ tham quan, tìm hiểu hoạt động của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). |
Tương tự, năm 2013, khi Trung tâm Dạy nghề huyện Cư Kuin về địa phương phối hợp với Hội Phụ nữ xã tổ chức lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, bà H’Drơk Hmok (buôn Ea H’luk, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) đã đăng ký tham gia. Nhờ được giáo viên chỉ dạy, hướng dẫn tận tình, bà đã có thể dệt được các hoa văn khó, may được cả áo, chăn, váy… Bà H’Drơk cho biết, trước đây, những lúc nông nhàn, chị em phụ nữ trong buôn hầu như thất nghiệp. Từ khi tham gia học nghề dệt thổ cẩm, nhiều người đã có thể kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Còn chị Dương Thị Luyến ở thôn Cư An (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) chia sẻ, “nhờ được học nghề chăn nuôi thú y, chị đã biết chọn con giống, chăm sóc, phòng trừ bệnh cho đàn heo và mạnh dạn phát triển đàn lên 6 heo nái, 50 heo thịt; biết phối trộn thức ăn tổng hợp nên tiết kiệm chi phí, mỗi năm có lãi khoảng 40 triệu đồng”.
Linh hoạt trong triển khai thực hiện
Những năm qua, tỉnh đã quan tâm thực hiện công tác đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chị Đỗ Thị Kim Dũng, Chủ tịch Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho chị em tham gia học nghề, các đơn vị đã chủ động tổ chức lớp dạy nghề ngay tại thôn buôn. Cán bộ phụ nữ các cấp không chỉ tuyên truyền, vận động chị em tham gia học nghề mà còn đứng ra quản lý lớp, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời những trường hợp nghỉ học, bỏ học giữa chừng. Nhờ vậy, tính từ năm 2011 đến nay, Hội LHPN thành phố đã phối hợp tổ chức được 36 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 1.300 phụ nữ vùng nông thôn, dân tộc thiểu số.
Bên cạnh công tác đào tạo nghề, tỉnh cũng chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nữ. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp với Hội Phụ nữ các cấp tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại trung tâm và phiên lưu động tại các xã, phường, thị trấn nhằm cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Các địa phương, đơn vị chủ động ký kết hợp đồng tuyển dụng lao động với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh; xây dựng các mô hình như tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã… thu hút chị em tham gia. Chẳng hạn như mô hình trồng nấm ở huyện Krông Ana có trên 100 lao động, thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng; hay Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông (TP. Buôn Ma Thuột) tạo việc làm cho 42 thành viên nữ và trên 100 lao động mùa vụ ở địa phương…
Bà Phạm Thị Loan, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định: “Các nghề phi nông nghiệp đã tạo tiền đề cho chị em có thể tự tạo việc làm hoặc có cơ hội được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Các nghề nông nghiệp đã giúp lao động nữ củng cố kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng quy mô sản xuất, năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.
Giai đoạn 2011-2016, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 33.690 lao động nữ; giới thiệu cho trên 21.200 chị vào làm việc tại các công ty, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và 100 chị đi xuất khẩu lao động. |
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc