Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Động lực phát triển kinh tế - xã hội
Những năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở hướng đến mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp theo hướng dân chủ, sát dân, gần dân hơn. Qua đó đã phát huy nguồn lực trong dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Cải tiến lề lối làm việc
Để thực hiện QCDC ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền xã Cư Ni (huyện Ea Kar) xác định trước tiên cần tập trung cải cách hành chính (CCHC) nhằm thay đổi thái độ, hiệu quả phục vụ nhân dân và tạo sự hài lòng của người dân với chính quyền. UBND xã đã niêm yết công khai các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết và số điện thoại của Chủ tịch UBND xã, công chức phụ trách địa chỉ hộp thư điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của người dân; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức; bố trí lãnh đạo UBND xã trực tại bộ phận “Một cửa liên thông” để người dân không phải đi lại nhiều lần...
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Cư Ni (huyện Ea Kar) hướng dẫn, giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân. |
Không chỉ tập trung chỉ đạo CCHC, các nội dung của QCDC ở cơ sở còn được UBND xã tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người dân. UBND xã đã vận dụng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” kết hợp với công khai, dân chủ trong bàn bạc, nêu ý kiến nên đã huy động được nguồn lực trong nhân dân để xây dựng các công trình phúc lợi. Trong 5 năm (2011-2015), xã đã vận động người dân hiến 111.500 m2 đất, 6.200 cây lâu năm, tự tháo dỡ, di dời một số công trình, đóng góp gần 3,5 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 28 km đường giao thông và xây mới 7 nhà văn hóa cộng đồng. Nhờ vậy, đến nay xã đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017.
Không chỉ ở xã Cư Ni, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cũng tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở và các văn bản của Quốc hội, Chính phủ về thực hiện QCDC ở xã, các cơ quan, doanh nghiệp… UBND các cấp đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện QCDC cơ sở ở cả 3 loại hình (cấp xã, phường, thị trấn; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; các loại hình doanh nghiệp) gắn với các phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ chính trị. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, ngành nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tổ chức đối thoại trực trực tiếp với nhân dân…
Huy động nguồn lực trong dân
Thực tế cho thấy, việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn mang lại hiệu quả rõ rệt nhất. Những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến nhân dân được thông báo rộng rãi. Các nội dung dân bàn, tham gia ý kiến, biểu quyết được thực hiện đúng quy trình. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng được đẩy mạnh, từng bước phát huy hiệu quả, đã phát hiện và kiến nghị khắc phục, xử lý kịp thời những thiếu sót, sai phạm.
Chính quyền địa phương kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tại thôn 4 (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc). |
Cùng với những nội dung trên, các địa phương còn gắn việc thực hiện QCDC với cải cách TTHC, thực hiện “cơ chế một cửa”. Các quy định về TTHC được niêm yết công khai tại trụ sở và có cán bộ hướng dẫn, tư vấn tạo điều kiện cho nhân dân giải quyết công việc thuận lợi, rút ngắn thời gian, giảm phiền hà cho dân và tổ chức, doanh nghiệp đến giao dịch. Qua đó đã góp phần hạn chế tiêu cực, tạo được niềm tin cho nhân dân.
Thực hiện QCDC còn tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy quyền làm chủ, trực tiếp bàn và quyết định những vấn đề liên quan đến đời sống ở cơ sở. Việc huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới cũng được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, nhân dân tham gia bàn và quyết định về mức đóng góp, cách thức thực hiện và giám sát công trình nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, qua thực hiện QCDC ở cơ sở đã làm chuyển biến về phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, cách điều hành và lề lối làm việc của chính quyền cơ sở theo hướng sâu sát dân và tôn trọng dân. Đặc biệt, QCDC ở cơ sở đã làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. |
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc