Xã Ea Kpam - điểm sáng trong công tác dân số ở Cư M'gar
Những năm trước đây, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) diễn ra rất phố biến, nhất là ở những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Trước tình hình đó, xã Ea Kpam đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm ổn định dân số, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ đến các cặp vợ chồng. Ngoài tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp thôn, buôn và các câu lạc bộ…, cán bộ dân số xã còn phối hợp với các cộng tác viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” giúp bà con hiểu rõ hơn về những lợi ích trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, tác hại của việc sinh đông con và hướng dẫn, tư vấn cho các cặp vợ chồng những biện pháp tránh thai phù hợp.
Dù sinh con một bề là con gái nhưng vợ chồng anh Vũ Xuân Phát (thôn 6, xã Ea Kpam) vẫn quyết định không sinh con thứ 3. |
Nhờ vậy, nhận thức của người dân đã được nâng lên đáng kể; hầu hết các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã lựa chọn những biện pháp tránh thai phù hợp. Trong số hơn 1.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn xã, đã có 1.082 cặp sử dụng các biện pháp tránh thai (chiếm hơn 83,2%). Quan niệm “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “Đông con cho vui cửa vui nhà” và phải có con trai (hoặc con gái đối với người Êđê) để nối dõi tông đường không còn phổ biến. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên giảm hẳn. Theo thống kê của Ban Dân số - KHHGĐ xã, từ đầu năm 2016 đến nay, trong số 91 trẻ được sinh ra, chỉ có 8 trẻ là con thứ 3 trở lên (chiếm tỷ lệ 8,7%), thấp hơn rất nhiều so với các địa phương khác trong huyện...
Nhiều năm nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở xã Ea Kpam luôn được duy trì ở mức thấp, có năm chỉ hơn 7%, đặc biệt có thôn, buôn trong gần 6 năm qua không trường hợp nào sinh con thứ 3 trở lên. |
Nhiều gia đình trong xã rất gương mẫu trong thực hiện KHHGĐ. Nhờ sinh ít, đẻ thưa nên họ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình và chăm sóc con cái chu đáo. Đơn cử như vợ chồng chị Lê Thị Minh Tú và anh Vũ Xuân Phát (thôn 6) lấy nhau đã 11 năm và sinh được 2 đứa con gái (đứa đầu sinh năm 2006 và đứa thứ hai sinh năm 2011). Nhờ được cán bộ dân số tuyên truyền, anh chị đã nhận thức được lợi ích của việc sinh ít con và quyết tâm dừng lại ở 2 con để nuôi dạy các con cho tốt. Không chỉ riêng gia đình anh Phát, chị Tú, trong thôn hiện có hơn 20 cặp vợ chồng sinh con một bề cũng có chung suy nghĩ như vợ chồng anh chị....
Chị Nguyễn Thị Hiền, cán bộ chuyên trách dân số - KHHGĐ xã Ea Kpam cho biết: “Giờ đây, nhận thức của người dân về chính sách dân số - KHHGĐ đã được nâng lên đáng kể, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên đã giảm mạnh. Đặc biệt là tại buôn B’ling, dù là buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng những năm gần đây không xảy ra tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, hoặc có thì tỷ lệ ở mức rất thấp. Tình trạng này cũng không còn xảy ra ở các hộ nghèo”. Quả thật, việc thực hiện tốt công tác dân số-KHHGĐ đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân xã Ea Kpam. Tỷ lệ hộ nghèo của xã ngày càng giảm và Ea Kpam hiện là 1 trong 4 xã của huyện đạt chuẩn tiêu chí số 11 về hộ nghèo trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc