Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến trong công tác dân số ở xã biên giới Ia R'vê, huyện Ea Súp

17:33, 27/12/2016

Với sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền và sự tích cực tuyên truyền vận động của đội ngũ cán bộ dân số, công tác dân số ở xã Ia R’vê, huyện Ea Súp  có những chuyển biến tích cực.

Xã Ia R’vê có 20 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là dân tộc thiểu số phía Bắc. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên họ vẫn quan niệm phải sinh con trai để phụ giúp gia đình việc nương rẫy, nối dõi tông đường. Trước thực trạng đó, những cán bộ làm công tác dân số ở xã Ia R’vê xác định việc đầu tiên phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ lạc hậu trong người dân. Chị Khúc Thị Thủy, cán bộ chuyên trách dân số của xã cho biết: “Chúng tôi phối hợp lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của các hội, đoàn thể, họp thôn;  đồng thời thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để truyền thông trực tiếp về công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ) nhằm giúp người dân có nhận thức đúng về công tác dân số, từ đó tự nguyện thực hiện kế hoạch hóa gia đình”.

Nội dung tuyên truyền, vận động được cán bộ chuyên trách và các cộng tác viên dân số thôn chuyển tải phù hợp theo nhóm đối tượng. Đối với các cặp vợ chồng trẻ, nhất là với những phụ nữ đang mang thai, tuyên truyền sẽ tập trung vào những thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, cách làm mẹ an toàn, cách sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp và tư vấn tác dụng phụ khi sử dụng từng loại biện pháp tránh thai. Đối với những gia đình đông con, có con cái kết hôn sớm, những buổi nói chuyện thường xoay quanh quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn, những ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm sinh lý của người phụ nữ khi lấy chồng sớm, như sinh nhiều con vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ, con cái không được chăm sóc đầy đủ, vừa khiến cuộc sống gia đình trở nên khó khăn…

Chị Khúc Thị Thủy (bìa trái) tư vấn cho phụ nữ trên địa bàn về các biện pháp tránh thai an toàn.
Chị Khúc Thị Thủy (bìa trái) tư vấn cho phụ nữ trên địa bàn về các biện pháp tránh thai an toàn.

Thông qua hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, phù hợp với từng đối tượng dân cư, đến nay nhận thức của đa số người dân trên địa bàn xã Ia R’vê về công tác DS- KHHGĐ đã có chuyển biến rõ nét, số gia đình sinh thứ 3 giảm hẳn, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng năm 2016, tỉ lệ này đạt trên 71%, trong đó, nhiều chỉ tiêu như uống thuốc tránh thai, dùng thuốc tiêm, đình sản…đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, nhiều gia đình sinh con một bề nhưng đã chủ động thực hiện kế hoạch hóa gia đình, như gia đình chị Đinh Thị Chầm ở thôn 5. Chị Chầm bộc bạch: “Vợ chồng tôi quyết định chỉ sinh 2 con để các con được chăm sóc, học hành đến nơi đến chốn, mai này có cơ hội thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đông con đói nghèo”.

Có thể thấy, dù vẫn còn nhiều khó khăn như: một bộ phận người dân vẫn quan niệm phải sinh con trai để nối dõi tông đường, nhiều gia đình vẫn còn tư tưởng “Đông con hơn đông của” nên chưa chấp nhận mô hình gia đình sinh 2 con... song những kết quả bước đầu trong thực hiện công tác DS- KHHGĐ ở xã Ia R’vê rất đáng ghi nhận. Đây chính là tiền đề quan trọng cho việc triển khai có hiệu quả công tác dân số trong những năm tiếp theo. Chị Khúc Thị Thủy, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết thêm: “Để nâng cao chất lượng công tác DS- KHHGĐ tại địa phương, thời gian tới, xã sẽ phấn đấu thực hiện giảm mức sinh hợp lý, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên và giảm thiểu sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, thực hiện các chỉ tiêu về sàng lọc trước và sau sinh để từng bước nâng cao chất lượng dân số”.

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.