Nặng lòng với Tây Nguyên
Làm việc như con ong chăm chỉ, không quản ngại khó khăn, kiên trì theo đuổi niềm đam mê đến mức “quên ăn quên ngủ” là điểm chung của không ít nhà khoa học và chính điều đó đã đem đến cho họ thành công…
Nữ Phó Giáo sư say mê công nghệ viễn thám
Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Thanh Hương (SN 1967), bộ môn Quản lý Tài nguyên Rừng - Môi trường, Khoa Nông Lâm (Trường Đại học Tây Nguyên) được Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2016. Chị vinh dự là nữ Phó Giáo sư đầu tiên của Trường Đại học Tây Nguyên.
PGS.TS Hương cho biết, riêng chị may mắn là đã có cơ hội đến với lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến việc sử dụng ảnh vệ tinh (thường gọi là viễn thám - remote sensing) và kỹ thuật GIS trong giám sát tài nguyên rừng từ những năm 2000.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương và cộng sự trong chuyến đi thực tế đánh giá chất lượng rừng. |
Người thầy đầu tiên của chị trong lĩnh vực này là Daniel Mueller, một nghiên cứu sinh người Đức (hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Humbolt, Berlin) - là chuyên gia của tổ chức GTZ (Cộng hòa liên bang Đức) làm việc tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đắk Lắk. Chị còn được anh Phạm Tấn Hà, nguyên cán bộ Sở NN - PTNT Đắk Lắk - một người có nhiều kiến thức am hiểu về rừng Tây Nguyên hỗ trợ tích cực trong chuyên môn. “Kiến thức của tôi về lĩnh vực viễn thám rất sơ khởi, lại thiếu kinh nghiệm. Thông qua việc hợp tác, tôi thấy ứng dụng này trong quản lý rừng hiệu quả rất cao. Giai đoạn 2002-2003, tôi đã thực hiện một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở và luận văn cao học liên quan đến việc phân tích thay đổi thảm phủ/sử dụng đất bằng cách dùng ảnh vệ tinh Landsat của các thời kỳ khác nhau để thực hiện (năm 1975, 1989, 1999 và năm 2000)”, TS. Hương chia sẻ.
Chị Hương quyết định chọn làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Freiburg (Cộng hòa liên bang Đức) và say mê khám phá sâu hơn về lĩnh vực viễn thám. Hơn 3 năm học tập ở Đức, với môi trường làm việc yêu cầu kỹ năng độc lập, đòi hỏi khả năng chủ động cao, chị Hương đã học hỏi được nhiều điều, đồng thời nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp trong nước và quốc tế đang làm việc tại bộ môn Viễn thám và Hệ thống thông tin cảnh quan (Trường Đại học Freiburg).
Khi về nước, chị Hương đã áp dụng những kiến thức tích lũy học được ở nước ngoài vào thực tế Việt Nam. Theo phương pháp truyền thống, điều tra rừng thường thống kê các nhân tố như: trữ lượng, số lượng, đường kính… Đây là cách tính toán dựa vào các ô mẫu đo đạc trực tiếp trên thực địa, tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí cao nhưng thông tin khó được cập nhật kịp thời, nhất là hiện nay tài nguyên rừng luôn bị tác động bởi các nguyên nhân khác nhau; trong khi thông tin kịp thời và chính xác là điều kiện rất quan trọng để đưa ra các quyết định hay chính sách tối ưu về lâm nghiệp. Chị Hương cho biết, đã cố gắng thử nghiệm các phương pháp khác nhau để ước lượng tài nguyên rừng gián tiếp thông qua các mối quan hệ giữa giá trị độ sáng (digital number) của ảnh vệ tinh với nhân tố rừng trên mặt đất như trữ lượng, mật độ rừng... để đánh giá chính xác, thẩm định những kết quả nghiên cứu về tài nguyên rừng Tây Nguyên. Trong các năm 2013-2015, chị Hương tiếp tục chủ trì thực hiện một đề tài cấp bộ; ngoài ra một đề xuất nghiên cứu do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tài trợ sẽ được chị thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2019 cũng liên quan đến ý tưởng này.
Thông qua các báo cáo khoa học được công bố, các cuộc hội thảo khoa học cũng như những tư vấn chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương đã có những đóng góp quan trọng trong nỗ lực phát triển và bảo vệ tài nguyên rừng ở các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Chị mong muốn kết quả nghiên cứu khoa học này sẽ được áp dụng trong điều tra và giám sát rừng ở các cấp chuyên môn. Cụ thể là ứng dụng công nghệ viễn thám để giám sát chất lượng tài nguyên rừng kịp thời và chính xác, làm cơ sở cho việc quy hoạch hoặc ban hành các quyết định, chính sách về lâm nghiệp.
Nhà khoa học của nông dân
Được công tác đúng chuyên ngành đào tạo, cộng với niềm say mê, sự hỗ trợ, động viên của gia đình, đồng nghiệp, TS. Trương Hồng - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học về các loại giống cây trồng, mô hình, quy trình sản xuất, quản lý… cho năng suất và hiệu quả.
TS. Trương Hồng (trái) kiểm tra sự phát triển của cây cà phê nuôi cấy mô. |
TS. Trương Hồng cho biết, các đề tài nghiên cứu khoa học do ông và những nhà khoa học khác trong WASI thực hiện hầu hết đã được chuyển giao vào sản xuất, trong đó nổi bật phải kể đến các thành tựu về giống cây trồng và các tiến bộ về nhân giống, đặc biệt là giống cà phê. Cà phê là cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế ở Tây Nguyên nhưng trước đây, vấn đề giống chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy các vườn cà phê thường có năng suất thấp, chất lượng hạt kém, dễ bị nhiễm bệnh... Từ thực tế ấy, ngay những ngày đầu tiên về Viện, TS. Trương Hồng và các đồng nghiệp đã vượt qua nhiều thiếu thốn, khó khăn về nguồn lực, cơ sở vật chất lặn lội khắp vùng Tây Nguyên để điều tra, bình tuyển, thu thập cây đầu dòng cà phê vối. Ngày ấy, cứ nghe ở đâu có vườn cà phê tươi tốt là ông và các đồng nghiệp lại tìm đến. Có những nơi hoang vu, đường sá đi lại khó khăn nên có chuyến đi kéo dài cả tuần lễ, việc phải dầm mưa, phơi nắng, cuốc bộ cả ngày đường là chuyện xảy ra như cơm bữa.
Sau nhiều nỗ lực chọn tạo, thu thập, nghiên cứu và thử nghiệm, từ 440 nguồn gien đầu dòng cây cà phê vối, ngay từ giai đoạn 1981-1997 đã có 3 dòng vô tính cà phê vối (16/21, 1/20 và 4/55) được công nhận là giống Quốc gia. Ngoài công tác nghiên cứu về chọn tạo giống, các lĩnh vực khác như kỹ thuật canh tác, làm bồn, tưới nước cho đến phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật chế biến, phơi sấy cà phê… cũng được nghiên cứu và chuyển giao cho sản xuất một cách hiệu quả. Những nghiên cứu ấy đã giúp đưa năng suất cà phê của Việt Nam trong giai đoạn này tăng từ 0,8 tấn nhân/ha lên 1,3 tấn nhân/ha (tăng khoảng 60%) và giá trị xuất khẩu đạt khoảng 540 triệu USD.
Đến giai đoạn 1997-2016, công tác nghiên cứu về giống cà phê tiếp tục được ưu tiên nguồn lực để nghiên cứu. Trong thời gian này, TS. Trương Hồng vẫn trực tiếp chủ trì, tham gia và chỉ đạo nghiên cứu ra 11 giống cà phê vối (từ TR4 đến TR15), 1 giống cà phê vối lai (TRS1), 5 giống cà phê chè lai cho năng suất cao và được bà con đón nhận nồng nhiệt. Đây là những giống cà phê mới cho năng suất từ 4,2 tấn-7 tấn nhân/ha; chất lượng tốt, khối lượng hạt cao hơn các giống đại trà từ 20-70%; khả năng kháng cao đối với bệnh gỉ sắt; tỷ lệ hạt loại R1 đạt từ 70-95%, tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng xuất khẩu này trên thị trường thế giới. Các giống trên đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và trở thành những giống cà phê chủ lực cho chương trình phát triển cà phê bền vững cũng như tái canh cà phê hiện nay.
Các kết quả nghiên cứu mang tính thực tiễn cao của TS. Trương Hồng và đồng nghiệp đã thuyết phục được nhiều công ty nông nghiệp lớn trong nước và quốc tế cùng lãnh đạo các tỉnh, ngành cũng như nông dân các địa phương gửi gắm niềm tin để sản phẩm khoa học công nghệ từ phòng thí nghiệm nhanh chóng được đưa vào cuộc sống. Trải qua hơn 30 năm nghiên cứu khoa học với nhiều vị trí khác nhau, giờ đây với vai trò là Quyền Viện trưởng, mọi người vẫn thấy ở “nhà khoa học của nông dân” này sự đam mê, khát khao cống hiến hết mình cho khoa học.
Nguyên Hoa – Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc