Multimedia Đọc Báo in

Nguyện mãi theo gương Người

16:56, 28/01/2017

Trong những năm qua, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được triển khai sâu rộng đến mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong các ngành, các lĩnh vực, ở các địa bàn từ nông thôn đến thành thị đều xuất hiện những điển hình tiêu biểu học và làm theo Bác với những hoạt động cụ thể, thiết thực, ý nghĩa… 

Bí thư Chi bộ thôn tận tâm, tận tụy

Với tâm niệm “người cán bộ phải tạo được uy tín, niềm tin trong nhân dân”, khi còn công tác tại xã và suốt 10 năm làm Bí thư Chi bộ thôn 10, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông), ông Vũ Đình Đề luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động và luôn thực hiện “nói đi đôi với làm”, “đã hứa với dân là phải làm bằng được”. 

Nhận thấy môi trường trong thôn còn bẩn, nhếch nhác, không chỉ hô hào, vận động bà con dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh bằng lời nói suông, bản thân ông và gia đình cũng tham gia quét dọn, nhặt rác, phát quang đường làng ngõ xóm. Hay khi thấy trong thôn có những hộ vẫn phải ở trong nhà dột nát, phải che bạt để hứng mưa dột, ông đích thân đi xin gỗ, lồ ô, vận động thanh niên đan tấm lợp, sửa chữa nhà cho bà con. Các buổi tối, ông thường đến nhà dân hoặc tham gia với các nhóm thanh niên, nông dân tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của họ để tìm cách giải quyết. Cũng từ những buổi tối “lân la” như thế, ông còn biết được những mâu thuẫn, tranh chấp giữa người dân trong các xóm rồi tìm cách hòa giải, giúp họ làm lành, giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Uy tín của ông Bí thư Chi bộ cứ thế tăng lên trong từng việc nhỏ như thế…

Ông Vũ Đình Đề (giữa) đến thăm một gia đình trong thôn - Ảnh: H.THỦY
Ông Vũ Đình Đề (giữa) đến thăm một gia đình trong thôn - Ảnh: H.THỦY

Thôn 10 có 156 hộ, 735 khẩu là người dân từ 12 vùng miền trong cả nước đến sinh cơ, lập nghiệp, có những nếp sinh hoạt cũ không còn phù hợp với đời sống văn hóa mới. Ông Đề phải tìm hiểu kỹ văn hóa vùng miền và dựa vào đó để vận động bà con xây dựng nếp sống văn hóa; chẳng hạn như: ông thuyết phục bà con quê Quảng Nam chuyển từ cách mời đám cưới bằng… rượu sang gửi giấy mời; vận động người dân di dời chuồng nuôi trâu, bò trước nhà ra phía sau nhà để giữ gìn vệ sinh môi trường, xây thành giếng để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, vừa vận động người dân không đổ rác bừa bãi vừa kiểm tra và xử lý nghiêm khắc những người vi phạm... Không tổ chức họp thôn gồm mấy trăm hộ dân bởi “khó làm cho người dân hiểu tường tận về chủ trương, chính sách”, ông Đề bàn với Chi bộ và Ban tự quản thôn 10 chia địa bàn thôn thành 8 tổ dân cư (mỗi tổ gồm 18-25 hộ), mỗi đảng viên được giao nhiệm vụ phụ trách một tổ. Việc họp phổ biến các chủ trương, chính sách hoặc bàn triển khai một hoạt động trong phạm vi tổ dân cư nhờ vậy dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. 

Việc triển khai xây dựng nông thôn mới được Chi bộ và Ban tự quản thôn 10 rất quan tâm thực hiện. Song song với việc khích lệ, động viên nhân dân thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, ông Đề cùng Chi bộ và Ban tự quản còn nỗ lực vận động bà con ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Năm 2010, thôn đã vận động nhân dân hiến đất, chặt cây, dời hàng rào và góp tiền thuê máy về san ủi mở rộng hơn 2 km các đường ngang, đường dọc trong thôn; các năm 2011, 2012, vận động nhân dân góp tiền sửa lại hội trường thôn, tổ chức hợp đồng thu gom rác thải, phát động phong trào toàn dân tố giác đối tượng trộm cắp, đánh bạc để kịp thời xử lý. Nhờ vậy, đến cuối năm 2012, thôn 10 được công nhận thôn văn hóa. Năm 2015, được Nhà nước hỗ trợ, nhân dân trong thôn đã góp công xây dựng được 820 mét đường bê tông. Do quản lý tốt nên con đường vừa chắc chắn vừa tiết kiệm được xi măng. Tận dụng số vật liệu tiết kiệm được từ làm đường, ông đã đề xuất với Chi bộ vận động nhân dân góp công và cán bộ công chức tại thôn góp thêm tiền, vật liệu đổ bê tông gần 600 m2 sân, xây dựng tường rào hội trường thôn. Với những việc làm ấy, thôn 10 đã trở thành một khu dân cư điển hình tiên tiến của xã Hòa Sơn.

Công việc “vác tù và hàng tổng” khiến ông Bí thư Chi bộ Vũ Đình Đề dường như bận rộn suốt cả ngày. Việc nào ông cũng tận tâm, tận lực làm hết sức mình đúng như lời thề trước Đảng mà ông đã tuân thủ suốt nhiều năm qua: “Là đảng viên, tôi đã thề trước cờ Đảng sẽ phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng”.

Hồng Thủy

Người tạo nên dấu ấn nông thôn mới ở Hòa Đông

Dù không phải là xã điểm nông thôn mới nhưng xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) đã nỗ lực vượt khó, huy động sức dân vươn lên hoàn thành các tiêu chí và là một trong những địa phương điển hình trong xây dựng nông thôn mới của huyện và tỉnh. Người góp phần rất lớn tạo nên dấu ấn nông thôn mới ở Hòa Đông chính là ông Nguyễn Đình Vượng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã…

Tháng 8-2011, khi ông Vượng được bầu làm Chủ tịch UBND xã Hòa Đông, xã mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí nông thôn mới; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư; giao thông rất khó khăn, nhiều thôn, buôn không thể đi lại được vào mùa mưa; hệ thống trường lớp không đáp ứng được nhu cầu, có nơi phải mượn nhà dân, hội trường thôn làm lớp học; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 16,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đến 12,8%. Chứng kiến nhiều người dân Hòa Đông sẵn sàng bán nhà đất rộng rãi chuyển ra thành phố ở chen chúc vì “chê” hạ tầng xã thấp kém, ông Vượng rất trăn trở, suy nghĩ làm sao để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, rút ngắn khoảng cách thành thị - nông thôn. Ông chia sẻ: “Trong một lần về phép thăm quê ở Thái Bình, tôi thấy cách người ta xây dựng nông thôn mới rất hay. Tôi đi tham quan một số tỉnh phía Bắc nữa, nhận ra rằng bà con ngoài đó làm nông thôn mới rất nhanh bởi họ chủ động, dựa vào sức mình là chính chứ không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Mình cần phải học tập”. 

Ông Nguyễn Đình Vượng (áo trắng) thăm mô hình sản xuất của ông Y Thanh Hmok (buôn Tara, xã Hòa Đông). Ảnh: H. Gia
Ông Nguyễn Đình Vượng (áo trắng) thăm mô hình sản xuất của ông Y Thanh Hmok (buôn Tara, xã Hòa Đông). Ảnh: H. Gia

Nhớ lời dạy của Bác Hồ “Lấy dân làm gốc”,  ông Vượng tiến hành rà soát các tiêu chí, tham mưu cho Đảng ủy, HĐND xã về chủ trương huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới theo hướng lấy người dân làm chủ thể. Không chỉ đến từng cụm dân cư để vận động “nói suông”, ông Vượng và cán bộ, đảng viên trong xã phải gương mẫu thực hiện trước, “nói đi đôi với làm” để nhân dân tin tưởng, làm theo. Ông trực tiếp tham gia lao động sản xuất với nhân dân, thuyết phục gia đình hiến 180 m2 đất ở và 40 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng trong thôn, đồng thời còn cho các hộ khó khăn mượn tiền (khoảng 100 triệu đồng) không tính lãi để làm đường. Ông nhắc nhở các cán bộ xã, thôn, buôn đều phải gương mẫu trong mọi việc, trực tiếp làm cùng dân và cống hiến theo khả năng của mình. Việc huy động nhân dân đóng góp phải được thực hiện một cách dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, công khai, minh bạch; chủ yếu tuyên truyền, thuyết phục là chính và không được sử dụng bất cứ biện pháp hành chính nào. 

Những con đường đầu tiên ở các thôn, buôn điểm hoàn thành. Thấy được lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, người dân sẵn sàng tham gia, thậm chí ở nhiều thôn, người dân xin được đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Song song với đó, các công trình thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa cũng được đẩy mạnh xây dựng. Xã cũng tập trung khuyến khích và tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, tăng cường chuyển đổi cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Chỉ trong 4 năm (2011-2015), xã Hòa Đông đã đạt 19/19 tiêu chí. Trong đó, về giao thông, tỷ lệ kiên cố hóa đường trục xã, liên xã đạt gần 82%, đường trục thôn, liên thôn đạt trên 75%, tỷ lệ đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 100%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,9%; thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2016 đạt 36 triệu đồng/năm… Đặc biệt, trong tổng số hơn 276 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới, nguồn huy động từ nhân dân đóng góp là hơn 204 tỷ đồng, chiếm khoảng 74%. 

Hòa Đông trở thành điển hình xây dựng nông thôn mới cho nhiều địa phương khác học tập. Còn ông Vượng, với cương vị Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2015-2020, tự đặt ra quyết tâm không chỉ giữ vững thành quả mà còn phát triển hơn nữa để đạt mục tiêu “vùng nông thôn mới Hòa Đông không thua kém thành thị” như ông vẫn mơ ước.

Hải Như

Hướng đến sự hài lòng của người dân

Có dịp về xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) hôm nay, không chỉ cảm nhận được bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và cuộc sống người dân ngày càng “thay da đổi thịt” mà còn nhận thấy sự thay đổi tích cực trong hoạt động của bộ máy công quyền. Đó là kết quả của công tác cải cách hành chính hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, hướng đến sự hài lòng của người dân.

Với phương châm “Việc gì có lợi cho dân thì cố gắng làm, việc gì có hại cho dân thì cố gắng tránh”, việc làm đầu tiên trong công tác cải cách hành chính của xã là chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, thay đổi thái độ tiếp công dân từ ban ân sang dịch vụ và trách nhiệm phục vụ, coi mỗi người dân như một khách hàng. Xã đã bố trí khu vực tiếp nhận và trả kết quả thuận tiện cho người dân đến liên hệ công tác. Quy trình tiếp công dân, các thủ tục hành chính (TTHC), thời gian giải quyết, lệ phí… được niêm yết công khai giúp mọi người biết rõ và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu, giảm bớt thời gian đi lại. Hệ thống máy tính của từng bộ phận trong UBND xã đều được kết nối mạng.

Diện mạo buôn Ea Nao A (xã Ea Tu) đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: N. Xuân
Diện mạo buôn Ea Nao A (xã Ea Tu) đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: N. Xuân

Đặc biệt, từ đầu năm 2016 đến nay, xã Ea Tu đã ứng dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến trong việc giải quyết hồ sơ TTHC cho công dân và liên kết các phần mềm liên thông vào hệ thống chung của thành phố. Qua đó, người dân có thể tra cứu về tình hình giải quyết hồ sơ của mình, đồng thời giúp Thường trực UBND xã và Tổ trưởng tổ cải cách hành chính dễ dàng kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ của từng lĩnh vực. Thêm vào đó, số điện thoại của cán bộ chuyên môn tiếp nhận hồ sơ được công khai trên giấy hẹn trả kết quả để người dân liên hệ trực tiếp khi có thắc mắc.

Đến bộ phận một cửa chỉnh sửa giấy khai sinh cho con, anh Vũ Văn Mạnh ở thôn 4 phấn khởi: “Đến đây tôi đã được cán bộ của bộ phận “một cửa” hướng dẫn tận tình, thủ tục hồ sơ được xử lý đúng thời gian quy định. So với trước kia thì việc giải quyết các TTHC của xã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về tác phong, thái độ của các cán bộ làm công tác tiếp công dân”.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết, việc triển khai thực hiện tốt công tác cải cách hành chính đã nâng cao hiệu quả hoạt động, điều hành của bộ máy công quyền, đội ngũ cán bộ, công chức có sự thay đổi rõ nét về tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ, tạo được niềm tin và huy động sức mạnh, nội lực của người dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhờ vậy, xã Ea Tu đã tạo được hiệu ứng “vết dầu loang” trong xây dựng nông thôn mới. Người dân các thôn, buôn thi đua đóng góp tiền, ngày công, tự nguyện dỡ bỏ tường rào, vật kiến trúc để hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi. Từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động được trên 97 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản. Trong phát triển kinh tế, người dân đã tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xen canh, tăng vụ, nâng cao thu nhập. Bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Êđê ở các buôn được duy trì, phát huy… Đến cuối năm 2016, xã đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

    Nguyễn Xuân

 

Giữ trọn nhiệt huyết trong hành trình “gieo” chữ

Cảm thông, chia sẻ trước những khó khăn trong hành trình tiếp cận tri thức của các học trò nghèo nơi xã vùng ba Đắk Nuê (huyện Lắk), 21 năm qua, mỗi ngày cô H’Nhin Ông (dân tộc M’nông) vẫn vượt quãng đường gần 30 km để dạy học cho các em. Khó khăn, thử thách rất nhiều nhưng ngọn lửa nhiệt huyết vẫn cháy bỏng trong trái tim cô.

Trước đây, cô H’Nhin công tác tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (xã Đắk Nuê). Năm 2014 khi Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm được thành lập, cô H’Nhin được điều chuyển về công tác tại đây. Với kinh nghiệm lâu năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng phân công dạy các em học sinh lớp 1 tại điểm trường buôn Đắk Sar - buôn xa và khó khăn nhất.

Toàn buôn có 263 hộ thì có đến 93,5% là hộ nghèo, chủ yếu là người dân tộc Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào. Đến nay, nơi đây vẫn chưa có điện, đường, nước sinh hoạt, chợ, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Trẻ em trong buôn chưa được học mầm non nên khi bước vào lớp 1, các em rất bỡ ngỡ với bàn ghế, bảng đen và từng con chữ.

Cô H’Nhin Ông tận tình dạy dỗ học sinh.
Cô H’Nhin Ông tận tình dạy dỗ học sinh.

Mỗi ngày để vừa có thể đến được với các em, vừa làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ đã có 3 con, cô H’Nhin thức dậy từ 3 giờ 30 phút sáng, chuẩn bị cơm nước chu đáo và rời khỏi nhà khi nhiều người còn say giấc. Từ nhà đến điểm trường buôn Đắk Sar khoảng chừng 30 km nhưng có 5 km đường đất lầy lội, khúc khuỷu. Những ngày trời mưa, trong hành trang của cô cũng như các giáo viên dạy tại điểm trường này luôn có thêm một đôi ủng vì bùn đất cao đến tận đầu gối, chuyện té ngã là bình thường.

Cô H’Nhin tâm sự, mình vất vả một, các em vất vả gấp mười lần. Muốn được học chữ, nhiều em phải dậy từ 4 giờ sáng, đi bộ hơn chục cây số, lội suối, băng rừng mới đến được trường. Những ngày mưa kéo dài, nhiều em phải nghỉ học vì không qua được cầu. Chính vì vậy, việc tiếp thu bài của các em càng thêm khó khăn. Để học sinh say mê từng con chữ, cô đã tự bỏ tiền mua tặng mỗi em một quyển vở tập tô chữ và một chiếc bút chì. “Khó khăn lớn nhất trong việc dạy chữ cho các em chính là sự bất đồng ngôn ngữ. Hầu hết học sinh đều chưa biết nói tiếng phổ thông, chưa biết cầm bút nên khi nghe cô giảng bài chỉ có thể gật hoặc lắc đầu. Vì vậy, cô giáo phải cầm tay uốn nắn cho các em từng nét chữ. Tuy học lực yếu nhưng các em rất chăm ngoan, chịu khó nghe giảng bài nên mình cũng vui và vững tâm sẽ dìu dắt các em ngày càng tiến bộ”, cô H’Nhin bộc bạch.

Hằng ngày, giữa bốn bề rừng núi, tiếng ê a đọc bài của học sinh người Mông nơi đây vẫn vang lên theo nhịp thước gõ của cô. Niềm vui lớn nhất của cô trong nghề suốt 21 năm qua là được nhìn thấy các em ngày càng tiến bộ, biết đọc, viết và giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Bởi đó chính là nền tảng đầu tiên để các em có cơ hội vươn tới chân trời tri thức.

Yến Ngọc

Làm việc thiện là niềm vui

“Một cán bộ phải có lòng yêu thương nhân dân tha thiết, coi nỗi đau của người khác là nỗi đau của chính mình và làm những gì có thể để giúp đỡ họ” không chỉ là phương châm sống mà còn là mục đích thiện nguyện của ông Nguyễn Ước, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ). 

70 năm tuổi đời, 30 năm gắn bó với công tác xã hội, ông Ước thuộc nằm lòng từng cảnh đời, phận người khó khăn, bệnh tật trên địa bàn phường. Hằng ngày, trên chiếc xe gắn máy cũ, ông rong ruổi khắp mọi ngả đường tìm đến tận nhà đối tượng khi họ có yêu cầu.

Bà Bùi Thị Hồng (66 tuổi), ở tổ dân phố Tân Hà 4 bị tai biến 2 lần nên gần 3 năm nay phải ngồi xe lăn, mọi hoạt động đều cần sự chăm sóc, giúp đỡ. Căn bệnh tai biến đã khiến bà nhớ nhớ, quên quên nhưng khi nhìn thấy ông Ước, ánh mắt bà vui hẳn lên như vừa gặp lại người thân trong gia đình. Tiêm thuốc, xoa bóp phần đầu gối bị sưng tấy của bà, ông hỏi: “Bà có nhớ Ước không?”. Một giọng nói run run cất lên: “Nhớ ông Ước chứ. Ông Ước mới cho gạo”.

Gia đình bà Hồng là hộ nghèo của thôn, chồng sức khỏe yếu, con út lại bị bệnh thần kinh. 4 miệng ăn trong nhà trông cả vào việc làm thuê của con gái. Cảm thông, chia sẻ trước gia cảnh khó khăn đó, ông Ước đã vận động các mạnh thường quân giúp đỡ tiền thuốc men, mỗi tháng hỗ trợ gia đình bà 1 bao gạo.

Ông Nguyễn Ước (bìa phải) hướng dẫn cách chăm sóc, tập vật lý trị liệu cho bà Hồng
Ông Nguyễn Ước (bìa phải) hướng dẫn cách chăm sóc, tập vật lý trị liệu cho bà Hồng.

Không chỉ có gia đình bà Hồng mà đối với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoạn nạn, có người thân bị bệnh hiểm nghèo trên địa bàn phường, tên và số điện thoại của ông Ước đã trở nên quen thuộc. Để có kinh phí giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, 5 năm qua, ông đã sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo đăng tải thư kêu gọi, kết nối tấm lòng của những Việt kiều, con cháu thành đạt trong và ngoài tỉnh cùng đóng góp số tiền gần 1 tỷ đồng giúp đỡ người nghèo.

Từ số tiền này, bà con dân tộc thiểu số xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) đã được đầu tư xây dựng một máy lọc nước sạch, 3 bệnh nhân được hỗ trợ mổ tim, hàng trăm người già được thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe. Không những vậy, ông còn vận động và phối hợp với đoàn bác sĩ thiện nguyện của TP. Hồ Chí Minh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà nhiều đợt cho những người có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật trên địa bàn phường; vận động trao tặng quà cho trẻ em ở trại phong huyện Krông Ana…

“Bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương mà các cấp, ngành đã trao tặng cũng nhiều nhưng niềm vui lớn nhất đối với một giáo dân, một cán bộ hội như tôi là sự tin yêu, quý trọng của người dân và sự đồng hành, ủng hộ nhiệt tình của gia đình. Còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn, để góp phần giảm bớt đau thương, đem lại niềm vui cho mọi người”, ông Ước bộc bạch.

Xuân Cường

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.