Multimedia Đọc Báo in

Tiệm mát-xa của bốn thanh niên khiếm thị

09:06, 16/01/2017

Mong muốn có một nơi để hành nghề mát-xa kiếm sống, bốn phận người khiếm thị đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau quyết định chọn Đắk Lắk làm nơi lập nghiệp. Họ thuê căn nhà cấp bốn ở số 68 Tống Duy Tân, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột để đặt cơ sở và làm nơi sinh hoạt chung cho các thành viên.

Người đưa ra ý tưởng thành lập cơ sở này là anh Bùi Văn Tấn (SN 1982) nhà ở xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột. Anh Tấn bị mù lòa từ năm 4 tuổi trong một cơn sốt ban sởi. Sau đó anh được gia đình đưa xuống TP. Hồ Chí Minh học nội trú ở Trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu. Học xong phổ thông, anh thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, ngành Tâm lý học với mong ước trở thành thầy giáo. Để có tiền trang trải chi phí học tập, anh Tấn xin làm thêm ở các cơ sở massage, đấm bóp. Vì công việc này khá nhẹ nhàng, phù hợp với những người khiếm thị, hơn nữa thời học phổ thông, anh đã được học lớp kĩ thuật viên xoa bóp, bấm huyệt rất bài bản.

Anh Bùi Văn Tấn đanh làm công việc mát xa cho khách
Anh Bùi Văn Tấn đanh làm công việc mát xa cho khách.

Năm 2011, anh Tấn tốt nghiệp ra trường nhưng gõ cửa khắp nơi không xin được việc đúng ngành. Anh đành làm nhân viên trực điện thoại cho một công ty tư nhân. Làm được 2 năm, tai anh bị ù vì thường xuyên nghe điện thoại nên quay lại nghề mát-xa, tiếp tục bám trụ lại TP. Hồ Chí Minh. Thấy nghề mát-xa ở đây đang bị biến tướng, anh gọi 3 người bạn thân cùng bị khiếm thị về Đắk Lắk mở cơ sở mát-xa.

Tháng 9-2015, cơ sở massage, xoa bóp, phục hồi sức khỏe Tây Nguyên chính thức ra mắt do 4 thành viên lập nên gồm: anh Tấn, anh Nguyễn Trí Dị (SN 1980, quê TP. Hồ Chí Minh), anh Vũ Văn Ninh (SN 1992, quê Ninh Bình) và chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (SN 1986, quê Bình Phước). Để thu hút khách hàng, các thành viên đều nhiệt tình, lấy công làm lãi với mức giá bình dân như, 60 nghìn đồng/suất massage, xông hơi thuốc bắc 40 nghìn đồng/suất, cạo gió 30 nghìn đồng/suất, giác hơi 20 nghìn đồng/suất. Nếu sử dụng trọn gói dịch vụ, giá sẽ giảm thêm nữa. Ngoài ra, các thành viên luôn ý thức tự học hỏi, trau dồi, cập nhật thêm kiến thức mới để nâng cao tay nghề chăm sóc khách thật tốt. Với những khách ở xa có nhu cầu phục vụ tại nhà, các thành viên đều sẵn lòng đến phục vụ. Do phải di chuyển nhiều đến những địa điểm mới lạ nên chuyện trượt chân té ngã, bị thương đối với các anh chị khiếm thị là điều xảy ra như cơm bữa. Mỗi lần bị như vậy, họ đều cố gắng chịu đựng, đứng dậy bước tiếp vì phía sau họ là một tổ ấm nhỏ đang cần chở che, chăm sóc.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung là thành viên nữ duy nhất và có số phận éo le nhất trong hội. Chị Nhung là con trong một gia đình nghèo quê ở Bình Phước. Từ nhỏ, chị đã bị khiếm thị và bị tật vận động bẩm sinh, đôi chân chị yếu ớt, khiến việc đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Không đầu hàng số phận, chị lên TP. Hồ Chí Minh học nghề mát-xa, rồi lấy chồng, sinh con, mưu sinh bằng nghề bán chổi, vé số dạo. Công việc đi nhiều khiến đôi chân chị đau nhức. Chị phải gửi con cho ông bà ngoại chăm giúp, lên Đắk Lắk cùng các anh em mở tiệm hành nghề mát-xa. Tuy thu nhập  không ổn định, ngày cao nhất được hơn 100 nghìn đồng, ngày vắng khách chỉ được vài chục nghìn đồng, nhưng chị vẫn chắt bóp từng đồng gửi về nuôi con. Chị cố gắng kiếm nhiều tiền để đón chồng con lên sum họp.

Anh Tấn cho biết, các thành viên ở đây, mỗi người một số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Trong hội chỉ có anh Tấn và chị Nhung là lập gia đình nhưng vì điều kiện khó khăn, mỗi người một công việc nên phải xa vợ, xa chồng con để mưu sinh. Thiếu vắng hơi ấm gia đình, các thành viên sống đoàn kết, yêu thương, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn. Họ cố gắng làm việc chăm chỉ, kiếm thật nhiều tiền để một ngày không xa, ước mơ đoàn tụ cùng gia đình nhỏ của mình trở thành hiện thực.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.