Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo: Cần "cú hích" về vốn

08:06, 28/02/2017

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 167 giai đoạn 2) đã giúp hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được an cư. Tuy nhiên việc khó khăn về nguồn vốn đang là trở lực ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Đề án.

Mừng và lo

Biết gia đình mình có tên trong danh sách được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chương trình 167 giai đoạn 2, ông Y Đring Niê ở buôn Ea Păl (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) vừa mừng, vừa lo. Ông mừng vì được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ 4,5 triệu đồng, Quỹ Vì người nghèo xã 1 triệu đồng để làm nhà. Mặc dù vậy, ông cũng trăn trở, đắn đo vì không biết lấy tiền, công lao động từ đâu thêm vào để xây dựng căn nhà cho tươm tất. Được gia đình, dòng họ động viên, cho vay thêm tiền, con cháu giúp ngày công, ông mạnh dạn dỡ bỏ căn nhà gỗ xiêu vẹo, xây dựng nhà mới rộng 28 m2, trị giá 40 triệu đồng. “Vậy là từ nay 6 người trong nhà tôi không còn lo mưa dột gió lùa nữa. Số tiền vay ngân hàng 25 triệu đồng trong 15 năm mới phải hoàn trả nên tôi sẽ động viên con cháu chăm lo làm ăn để trả cho Nhà nước đúng thời gian quy định”, ông Y Đring bộc bạch.

Cán bộ giảm nghèo xã Cư Ni và ban tự quản buôn Ea Păl thăm hỏi tiến độ xây dựng nhà của gia đình ông Y Đring Niê (bên trái).
Cán bộ giảm nghèo xã Cư Ni và ban tự quản buôn Ea Păl thăm hỏi tiến độ xây dựng nhà của gia đình ông Y Đring Niê (bên trái).

Sau khi chồng mất, bà Nguyễn Thị Liên (thôn 1A, xã Cư Ni) ở một mình, buôn bán nhỏ sinh sống qua ngày. Khi con trai qua đời, bà phải cưu mang thêm 2 cháu nội vì con dâu đi làm ăn xa. Căn nhà gỗ cũ đã mục nát nhưng chưa có điều kiện sửa sang lại. Năm 2016, gia đình bà được vay 25 triệu đồng, ngân sách tỉnh, huyện, Quỹ Vì người nghèo xã hỗ trợ 5,5 triệu đồng xây dựng căn nhà mới rộng 40 m2. Trong ngôi nhà mới, bà Liên không giấu nổi niềm vui, nếu không được trợ lực thì chưa biết đến lúc nào bà mới được ở nhà xây kiên cố.

Gia đình chị H’Hương Niê là hộ nghèo của buôn Alê A (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột). Không có rẫy nương, chồng làm thuê khắp nơi, chị đi  bán hàng rong. Do điều kiện quá khó khăn, không có đất chia cho con nên 2 con gái của chị dù đã lập gia đình nhưng vẫn ở chung với bố mẹ. Nhiều năm nay, 9 người thuộc 3 thế hệ của gia đình chị vẫn cùng sinh sống trong căn nhà gỗ cũ rộng chừng 40 m2. Chị H’Hương cho biết, năm ngoái nghe ban tự quản buôn nói gia đình thuộc diện được hỗ trợ làm nhà nên gia đình đang dành dụm tiền, 2 con rể sẽ góp công xây dựng, chỉ chờ được vay vốn và hỗ trợ tiền là gia đình sẽ mạnh dạn dỡ bỏ căn nhà cũ để xây nhà mới khang trang hơn.

Vốn là yếu tố quyết định

Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 3570/QĐ-UBND, ngày 31-12-2015 phê quyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh sẽ có 10.420 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở với tổng số vốn cần để hỗ trợ trên 371,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay NHCSXH (25 triệu đồng/hộ) là 260,5 tỷ đồng, còn lại do ngân sách tỉnh, huyện, Quỹ Vì người nghèo địa phương hỗ trợ và nguồn đóng góp của gia đình.

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk giao dịch lưu động tại phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột).   Ảnh: N. Xuân
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk giao dịch lưu động tại phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột). 

Riêng năm 2016, theo Đề án, toàn tỉnh có 1.042 hộ được hỗ trợ làm nhà với tổng số vốn tín dụng ưu đãi trên 26 tỷ đồng nhưng đến 31-12-2016 mới chỉ có 808 hộ được giải ngân với số tiền 20,195 tỷ đồng. Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân là do năm 2016, NHCSXH Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk chưa được bố trí vốn cho vay theo chương trình này. Số vốn đã giải ngân là do Chi nhánh chủ động trình Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam và được bố trí từ nguồn vốn thu hồi cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Chương trình 167 giai đoạn 1.

Năm 2017, theo chỉ tiêu kế hoạch, toàn tỉnh sẽ có 2.084 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở với tổng số vốn trên 74,2 tỷ đồng, trong đó vốn vay NHCSXH là 52,1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ - Tín dụng, NHCSXH Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, đầu năm 2017, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam đã giao kế hoạch tăng trưởng dư nợ cho Chi nhánh Đắk Lắk là 215 tỷ đồng nhưng trong đó không có vốn cho vay chương trình nhà ở hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg. Vì vậy, đến nay, ngân hàng cũng chưa biết lấy nguồn nào để giải ngân cho 234 hộ còn lại của năm 2016 và 2.084 hộ theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 được vay để làm nhà.

Theo lãnh đạo NHCSXHVN Chi nhánh Đắk Lắk, để thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ của Đề án, trước mắt, UBND tỉnh có thể ứng vốn từ ngân sách địa phương cho NHCSXH tỉnh vay để giải ngân cho hộ nghèo. Khi được Bộ Tài chính bố trí vốn, ngân hàng sẽ chuyển trả cho tỉnh.     

Theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, giai đoạn 2016-2020, cả nước sẽ có khoảng 311.000 hộ nghèo khu vực nông thôn được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Mỗi gia đình được vay tối đa 25 triệu đồng từ NHCSXH với lãi suất 3%/năm; thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.

 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.