Trẻ em bị xâm hại: Nỗi đau và trách nhiệm
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, do nhiều nguyên nhân, tình hình tội phạm đang có nhiều diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) công bố tại Hội nghị cấp quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội lần thứ 3 được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2016 cho thấy, tình trạng xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái những năm gần đây đã xảy ra nhiều, đáng báo động. Từ năm 2013 đến năm 2016, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 vụ án có liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em… Trung bình mỗi ngày cả nước có 3 trẻ em bị xâm hại tình dục, trong số đó có cả trẻ em dưới 2 tuổi, 73% thủ phạm xâm hại tình dục là người quen, người thân của nạn nhân.
Tại tỉnh ta, theo thống kê của Sở LĐTBXH, trong năm 2016 toàn tỉnh xảy ra 56 vụ xâm hại trẻ em, có 57 em bị xâm hại, trong đó, hiếp dâm trẻ em 9 vụ có 9 em bị xâm hại, giao cấu với trẻ em 16 vụ với 16 em bị xâm hại, dâm ô với trẻ em 8 vụ có 8 trẻ bị hại, còn lại là các hành vi khác.
Có thể thấy, các vụ xâm hại trẻ em ở tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung xảy ra nhiều và ngày càng nghiêm trọng. Đáng chú ý là tình trạng loạn luân, hiếp dâm tập thể, hiếp dâm, dâm ô trẻ em dưới 5 tuổi, thầy giáo xâm hại học sinh… đang có chiều hướng gia tăng, báo động về sự suy đồi đạo đức của không ít người trong xã hội hiện nay.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số vụ xâm hại trẻ em ngày càng tăng. Trước tiên là do mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhiều bố mẹ mải lo cơm áo gạo tiền, ít thời gian có mặt ở nhà nên trẻ em rơi vào nguy cơ dễ bị lạm dụng, bị xâm hại. Thứ hai là do công tác tuyên truyền, giáo dục chưa thường xuyên, liên tục dẫn đến tình trạng trẻ em thiếu kiến thức, hiểu biết để tự bảo vệ mình. Hơn nữa, sự xâm nhập của các văn hóa phẩm đồi trụy phát tán tràn lan trên mạng Internet đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lí, gây ra sự lệch lạc về đạo đức, lối sống của một số người. Công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác, e ngại từ phía nạn nhân và gia đình.
Việc xử lý nghiêm minh những đối tượng xâm hại trẻ em là cần thiết. Tuy nhiên, điều này cũng không thể bù lại những mất mát, tổn thương mà các em và gia đình phải gánh chịu. Để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thiết nghĩ các địa phương cần thực hiện tốt Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; khảo sát, thống kê số lượng trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để có biện pháp can thiệp, hỗ trợ phù hợp; tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong công tác bảo vệ trẻ em. Về phía gia đình, các bậc cha mẹ cần dành thời gian trò chuyện, quan tâm, chăm sóc và trang bị kiến thức về giới tính, kỹ năng sống cho con. Bảo vệ trẻ em trước những hành vi xâm hại, nhất là xâm hại tình dục là trách nhiệm chung của các ngành chức năng, gia đình và cộng đồng xã hội.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc