Multimedia Đọc Báo in

Chan chứa yêu thương

08:54, 28/04/2017

Không máu mủ ruột rà cũng chẳng quen biết, nhưng các y bác sĩ ấy đã cưu mang những đứa trẻ sơ sinh bệnh tật, bị bỏ rơi tại khoa bằng tất cả tấm lòng của người mẹ…

Tình thương của “cha, mẹ”

Đến Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) được nghe nhiều câu chuyện cảm động về những “người mẹ áo trắng” đã thay nhau túc trực, chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ sớm chịu thiệt thòi khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Đó là những đứa bé mắc bệnh, được bố, mẹ hoặc người thân đưa đến và cũng được làm hồ sơ nhập viện, nhưng chỉ vài giờ sau khi nhập viện thì thân nhân đã bỏ đi.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh cho biết, hầu như năm nào trong khoa cũng có trường hợp trẻ sơ sinh bị người thân bỏ rơi, chỉ riêng năm 2016 đã có 5 trường hợp.  Thông thường các y, bác sĩ sẽ lần theo địa chỉ và số điện thoại ghi trong hồ sơ để liên lạc với người thân của các bé. Tuy nhiên, hầu hết đều là địa chỉ sai, số điện thoại không đúng. Một số trường hợp liên lạc được thì người thân của các bé lại từ chối nhận con, cháu mình với lý do không đủ điều kiện nuôi dưỡng, nhờ bệnh viện nuôi giúp!

Bé Bắp – một trong những đứa trẻ bị bỏ rơi ở Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh năm 2016, trong vòng tay những “người mẹ áo trắng”.
Bé Bắp – một trong những đứa trẻ bị bỏ rơi ở Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh năm 2016, trong vòng tay những “người mẹ áo trắng”.

Người thân bỏ, nhưng bệnh viện không bỏ, những đứa trẻ bé bỏng ấy đã được các y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh trực tiếp thay nhau chăm sóc. Và những cái tên trìu mến xuất phát từ hình dáng, đặc điểm của mỗi bé cũng ra đời như: Bắp, Bi, Bo, Pepsi, Lem… Thậm chí, một số bé ở lại khoa dài ngày còn được đăng ký khai sinh với những cái tên đầy ý nghĩa, như tên của bé gái Hoàng Hà Nhi (Hoàng là họ của bác sĩ trưởng khoa, Hà là họ của người mẹ đã sinh ra bé khai trong hồ sơ, còn Nhi là khoa nhi nơi bé đã cư ngụ sau khi chào đời).

Làm việc tại khoa luôn quá tải bệnh nhân từ 200-300%, công việc của các y bác sĩ vốn đã rất vất vả lại càng bận rộn hơn khi hằng ngày, ngoài hoạt động chuyên môn, họ còn phải đảm đương vai trò “bà mẹ bỉm sữa” cho những “đứa con nuôi”. Điều dưỡng Nguyễn Thị Trang Phương, điều dưỡng trưởng của khoa chia sẻ: “Chúng tôi thường đi xin sữa của các bà mẹ mới sinh ở bên khoa sản về cho trẻ ăn, rồi tự nguyện quyên góp và vận động các mạnh thường quân ủng hộ để có thêm sữa và đồ dùng cho các cháu sử dụng hàng ngày". Còn điều dưỡng Lê Thị Quế, một trong số những người thường xuyên chăm sóc các trẻ bị bỏ rơi bộc bạch: “Chúng tôi cứ hay nói đùa, dường như trời thương những đứa trẻ bị bỏ rơi và bản thân chúng cũng biết thân biết phận nên thường rất ngoan, ít khóc. Nhiều bé khi bố mẹ bỏ còn nhỏ xíu chưa rõ nét nhưng đến khi chúng tôi làm thủ tục giao cho cha mẹ nuôi thật sự thì đã cứng cáp, bụ bẫm, đáng yêu lắm”

Tìm “mái ấm” cho con

 Không chỉ một lòng điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng các bé từ bệnh tật trở thành những đứa trẻ khỏe mạnh, cứng cáp, các y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh còn ra sức tìm kiếm để giúp các “con nuôi” của mình có một mái ấm gia đình thực sự thông qua các thủ tục pháp lý theo quy định và tìm hiểu tường tận hoàn cảnh từng gia đình xin nhận con. Điều dưỡng viên Cao Thị Thu Hiền bộc bạch: “Dù không phải người ruột thịt nhưng gắn bó với các con lâu ngày cũng nảy sinh tình cảm thân thiết, nên khi giao chúng cho cha mẹ nuôi thực sự chúng tôi không tránh khỏi cảm giác bâng khuâng, tiếc nuối. Tuy có đôi chút buồn vì chia xa, nhưng lại được cảm giác hạnh phúc bao trùm vì biết rằng từ nay các con không phải chịu cảnh “ăn nhờ, ở đậu” nữa mà đã chính thức có cha, có mẹ và có sự bảo bọc của gia đình thực sự”.

Sau khi các con về với cha mẹ mới, thỉnh thoảng trong ngày nghỉ hiếm hoi, những “người cha, người mẹ áo trắng” lại dành thời gian cho những chuyến thăm trẻ. Điều dưỡng Hiền cho biết thêm: “Hễ sắp xếp được thời gian, các anh chị em trong khoa lại đến thăm các bé. Gần đây nhất, đến thăm bé Bắp (bị bỏ rơi từ cuối năm 2015 đến khoảng tháng 3-2016 được một gia đình ở xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột nhận nuôi), thấy con khỏe mạnh, mập mạp, lại được cha mẹ nuôi thương yêu hết mực, chúng em rất vui mừng. Thật lòng, chỉ mong tất cả các bé khi rời khoa về với gia đình mới đều được hạnh phúc như Bắp”.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.