Multimedia Đọc Báo in

Hòa Xuân ngày mới

08:47, 28/04/2017

Đến xã Hòa Xuân (TP. Buôn  Ma Thuột) hôm nay, ai cũng ngỡ ngàng vì nhiều sự đổi thay. Không còn những con đường đất lầy lội, những ngôi nhà lụp xụp, tồi tàn mà thay vào đó là những đường nhựa, đường bê tông sạch sẽ, thẳng thớm; nhiều ngôi nhà xây to đẹp, khang trang; những vườn cà phê, tiêu xanh tốt… cho thấy cuộc sống ở xã vùng ven này đang ngày càng khởi sắc…

Dẫn chúng tôi đi qua những con đường bê tông sạch đẹp và những vườn cà phê xen tiêu, sầu riêng tươi tốt, Trưởng buôn Dray H’Linh Y Nơ Ktul phấn khởi: “Cuộc sống của bà con trong buôn khấm khá nhiều rồi. Năng suất trồng trọt, chăn nuôi đều tăng. Bà con đang phát triển nông nghiệp theo hướng đa canh, đưa nhiều giống cây, con năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt, chăn nuôi. Thanh niên thì học nghề và làm việc tại các công ty, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Không còn lao động nhàn rỗi như trước đây nữa đâu”. Đời sống được cải thiện, bà con trong buôn tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Hiện 100% các đường ngõ, xóm trong buôn đã được bê tông hóa, theo hình thức Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp cát, đá, ngày công… Ông Y Nơ cho hay: “Bà con đóng góp 193 triệu đồng để bê tông hóa 2,2 km đường. Trước đây vận động khó lắm nhưng sau này thì bà con sẵn sàng đóng góp bởi họ hiểu làm đường là làm lợi cho mình mà”.

Các trục đường ngõ xóm ở buôn Dray H'Linh (xã Hòa Xuân) đã được bê tông hóa.
Các trục đường ngõ xóm ở buôn Dray H'Linh (xã Hòa Xuân) đã được bê tông hóa.

Khi mới bắt đầu xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Xuân mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của xã vùng ven thành phố này với dân số 7.456 người (trong đó đồng bào dân tộc Êđê chiếm gần 49%) còn nhiều khó khăn: đường giao thông xuống cấp, lầy lội; cơ sở vật chất trường học, văn hóa, y tế… còn tạm bợ, thiếu thốn; tỷ lệ hộ dân sản xuất nông nghiệp chiếm trên 75%, cơ cấu giữa các ngành kinh tế không cân đối, thu nhập của người dân còn thấp.

Trước thực trạng đó, Đảng ủy, UBND xã Hòa Xuân đã vào cuộc quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, tranh thủ mọi nguồn lực, đặc biệt tích cực huy động nội lực để từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng của từng tiêu chí, xã tập trung trọng tâm, trọng điểm vào những tiêu chí tác động trực tiếp đến cuộc sống, nhu cầu thiết thực của người dân vừa tạo được khí thế thi đua sôi nổi vừa phát huy được nội lực của nhân dân. Để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể trên địa bàn xã đẩy mạnh vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả để nhân dân học tập. Từ năm 2011-2016, xã đã triển khai xây dựng được 56 mô hình cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, tổ chức 68 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu hút hơn 4.000 lượt người tham dự. Nhờ những nỗ lực như vậy, chỉ sau một năm, Hòa Xuân đã đạt tiêu chí về hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; các tiêu chí về thu nhập, nhà ở dân cư cũng đạt vào năm sau đó.

Đến nay, Hòa Xuân đã có 1.821 ha cây trồng; năng suất cây trồng tăng lên đáng kể (năng suất lúa từ 5,7 tấn/ha năm 2011 tăng lên 7 tấn/ha năm 2016; cà phê từ 1,8 tấn/ha năm 2011 tăng lên 2,3 tấn/ha năm 2016). Xã đã cơ bản định hướng quy hoạch 4 vùng sản xuất, phát triển kinh tế theo đặc thù từng thôn, buôn. Tỷ lệ hộ nghèo từ 8,78% và hộ cận nghèo 14,21% năm 2011, đến năm 2016 đã giảm xuống còn 4,8% và 5,2%. Số người trong độ tuổi lao động là 4.495 người, chiếm 60,3% tổng dân số; trong đó tỷ lệ người có việc làm thường xuyên chiếm 98%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14,1 triệu đồng lên 27,9 triệu đồng. Trên địa bàn xã hiện không còn nhà tạm, dột nạt; tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng chiếm 88,4%.

Song song với đó, xã đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; nổi bật nhất là việc xây dựng đường giao thông. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa; 70% đường trục thôn, buôn đã được nhựa hóa, cứng hóa và vẫn đang tiếp tục thi công; 93,6% trục đường ngõ, xóm đã được bê tông hóa và 70% đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa. Các công trình như: nhà văn hóa thôn, buôn, hệ thống điện, sân chơi thể thao, hệ thống thủy lợi… cũng được xây dựng kiên cố, đầy đủ. Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân cho biết, nhờ phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” nên đã huy động được nguồn lực đáng kể trong nhân dân. Sau 6 năm xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động được nguồn kinh phí trên 111,7 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp hơn 8,7 tỷ đồng, chiếm hơn 7,8%. Riêng kinh phí xây dựng đường giao thông là hơn 45,9 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp gần 4,5 tỷ đồng (chiếm gần 10%).

Với sự nỗ lực đó, đến năm 2016, xã Hòa Xuân đã đạt 19/19 tiêu chí, cán đích nông thôn mới. Mục tiêu của xã trong những năm tới là không chỉ giữ vững mà còn phát huy hơn nữa những tiêu chí đã đạt được, nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh…

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.