Multimedia Đọc Báo in

Diện mạo mới trên quê hương Dliê Ya anh hùng

08:15, 28/04/2017

Đến xã Dliê Ya (huyện Krông Năng) những ngày này, đi trên những con đường được rải nhựa và bê tông kiên cố, chúng tôi cảm nhận được sự hồi sinh mạnh mẽ trên mảnh đất từng bị bom đạn cày xới trong chiến tranh.

Giai đoạn 1965-1975, khu căn cứ cách mạng H4 là địa bàn chiến lược trọng yếu thuộc khu vực phía Bắc Buôn Ma Thuột nên Mỹ - ngụy tăng cường càn quét hòng “xóa sổ” khu cứ địa. Tuy nhiên, với phương châm “Một tấc không đi, một ly không rời”, cán bộ và nhân dân trên vùng đất H4 đã kiên trì bám địa bàn, giành giật với địch từng tấc đất. Phó Chủ tịch UBND xã Dliê Ya Đặng Văn Thiện cho biết: “Trong những năm chiến tranh, đội du kích Dliê Ya không những là lực lượng nòng cốt bảo vệ vùng hậu cứ mà còn hỗ trợ cho phong trào cách mạng, giữ vững các tuyến hành lang chiến lược, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ từng bước đi đến thắng lợi. Nhiều người con ưu tú của Dliê Ya đã ngã xuống vì độc lập tự do của đất nước, trong đó có 23 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên chính mảnh đất này”.

Sau ngày đất nước sạch bóng quân thù, vùng đất anh hùng Dliê Ya bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới từ trong gian khó. Cán bộ xã đã xuống từng thôn, buôn để thực hiện “3 cùng” với dân và trực tiếp “cầm tay chỉ việc” trong mọi hoạt động sản xuất. Đến nay, toàn xã có 3.497 hộ, với 15.088 khẩu, 19 dân tộc anh em sinh sống trên 26 thôn, buôn. Tổng thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học; hệ thống cơ sở khám - chữa bệnh và đội ngũ cán bộ y tế từ xã đến thôn, buôn được tăng cường, củng cố…

Đội ngũ y, bác sĩ trẻ khám bệnh cho người dân trên địa bàn xã Dliê Ya.
Đội ngũ y, bác sĩ trẻ khám bệnh cho người dân trên địa bàn xã Dliê Ya.

 

 

“Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, thời gian tới, xã sẽ tập trung phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương; tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước, kết hợp vận động đóng góp của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp... để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, từ đó nâng cao mức sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo”

 

 
Phó Chủ tịch UBND xã Dliê Ya Đặng Văn Thiện

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, xã có nhiều cách làm hay, sáng tạo phù hợp với thực tế địa phương. Xác định giao thông là yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn nên từ năm 2010, chính quyền xã đã chú trọng đến công tác vận động người dân cùng tham gia làm đường giao thông. Nhờ chủ trương đúng đắn, thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của người dân nên được đông đảo bà con hưởng ứng, qua đó tạo thành phong trào sôi nổi, có sức lan tỏa sâu rộng. Chỉ tính riêng năm 2016, người dân trên địa bàn xã đã đóng góp hàng trăm triệu đồng bê tông hóa các tuyến đường nội thôn, tiêu biểu như thôn Ea Đốc và Ea Tu đóng góp gần 1 tỷ đồng xây dựng tuyến đường dài 1,2 km; thôn Tân Tiến đóng góp hơn 500 triệu đồng bê tông hóa tuyến đường dài 700 mét; thôn Bình An đóng góp 500 triệu đồng làm tuyến đường dài 1 km...

Nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, chính quyền xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập như: cho vay vốn, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... Gia đình anh Vũ Tuấn Sơn từ quê hương Ninh Bình vào vùng đất Dliê Ya lập nghiệp nhưng do thiếu vốn đầu tư nên cuộc sống luôn “thiếu trước hụt sau”. Năm 2006, anh được hỗ trợ nguồn vốn 20 triệu đồng và tham gia khóa học về chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từ kiến thức học được cùng với bản tính siêng năng, chịu khó, đến nay, gia đình anh có 5 ha cà phê, 1 ha hồ tiêu; đồng thời kinh doanh thêm phân bón, thu nhập hằng năm trên 900 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, anh Sơn còn giúp đỡ 30 hộ có hoàn cảnh khó khăn vay trên 150 triệu đồng không tính lãi để đầu tư phát triển sản xuất và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Phong trào thể thao xã Dliê Ya phát triển mạnh.
Phong trào thể thao xã Dliê Ya phát triển mạnh.

Năm 1985, chị Lương Thu Vịnh (dân tộc Nùng) từ quê hương Tuyên Quang vào mảnh đất Dliê Ya lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Năm 2006, được địa phương tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng đầu tư trồng cây tiêu, lúa nước, chăn nuôi…, đến nay gia đình chị đã xây nhà cửa trang khang, đầy đủ tiện nghi, con cái học hành đến nơi đến chốn. Hay như gia đình anh Hà Văn Dựng (dân tộc Thái), anh Y Chiên Niê (dân tộc Êđê, đều ở buôn Dliê Ya A) cũng là những hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ việc kết hợp trồng trọt và chăn nuôi…

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.