Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ xi măng làm đường giao thông ở thị xã Buôn Hồ

10:48, 05/04/2017

Trong những năm qua, từ cơ chế đặc thù (hỗ trợ kinh phí mua xi măng) làm đường giao thông nông thôn tại các xã, phường, nhiều tuyến đường ở thị xã Buôn Hồ đã được bê tông. Đây là chủ trương được người dân đồng tình, hưởng ứng.

Năm 2014, HĐND thị xã Buôn Hồ ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND, về việc xây dựng đường giao thông nông thôn, đường hẻm tổ dân phố trên địa bàn, với hình thức hỗ trợ xi măng. Theo thống kê, thị xã Buôn Hồ có trên 578 km đường giao thông các loại, trong đó, đường liên thôn, buôn, tổ dân phố hơn 200 km. Do nhu cầu hỗ trợ làm đường lớn, nguồn kinh phí hằng năm lại có hạn nên để việc hỗ trợ không dàn trải, ngay từ đầu, thị xã đã chỉ đạo các phòng, ban, xã, phường rà soát, đề xuất và khả năng đối ứng kinh phí đối với các trục đường cần bê tông để thị xã hỗ trợ kinh phí mua xi măng từ nguồn ngân sách hằng năm.

Người dân xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ) tham gia ngày công làm đường giao thông.
Người dân xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ) tham gia ngày công làm đường giao thông.

Để nguồn vốn phân bổ được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, công tác tiếp nhận kinh phí hỗ trợ, thi công, quản lý chất lượng đều có sự giám sát của ban phát triển thôn, buôn, tổ dân phố và ban giám sát cộng đồng của xã, phường. Các tuyến đường được hỗ trợ xi măng tại các xã đều nằm trong quy hoạch được duyệt với hồ sơ thiết kế, dự toán đầy đủ và cam kết về nguồn vốn huy động từ người dân tại địa phương.

Bên cạnh đó, các xã, phường trên địa bàn đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích, vận động người dân hiến đất, tự giải tỏa mặt bằng, đóng góp kinh phí và tham gia ngày công làm đường, làm cho phong trào này lan tỏa mạnh mẽ trong khắp thị xã và được đa số bà con đồng tình, ủng hộ, tiêu biểu là các xã: Ea Siên, Ea Blang, Ea Đrông, Cư Bao…

Ông Phạm Phú Lộc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 37, thị xã đã phân bổ 3 tỷ đồng cho các xã, phường làm đường giao thông. Thị xã phấn đấu đến năm 2020 có 90% đường liên thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn được nhựa hoặc bê tông hóa và hoàn thành các tiêu chí về NTM như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XV đề ra.

Là xã điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM) của thị xã, Ea Blang đã tranh thủ nguồn lực hỗ trợ hằng năm của thị xã để bê tông các tuyến đường trên địa bàn. Trong 2 năm 2015-2016, xã đã bê tông được các trục từ UBND xã đến thôn Tân Lập; từ UBND xã đến buôn Tring 4; đường trục thôn Tân Tiến… Trong đó, đáng chú ý, năm 2015, xã đã huy động nhân dân đóng góp trên 1,2 tỷ đồng để làm đường. Đến nay, gần 15 km đường liên xã Ea Blang – Ea Siên đã được nhựa hóa (đạt 100%); 12/16 km đường liên thôn, buôn đã được nhựa, cứng hóa (đạt 75%); 75% đường ngõ, xóm không lầy lội vào mùa mưa… Hiện, Ea Blang đã hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn trong xây dựng NTM.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của thị xã 12,7 tỷ đồng, cùng với sự đóng góp của người dân, trong 3 năm (2014 – 2016) có 138 trục, với tổng chiều dài gần 56 km đường thôn, buôn tại các xã, phường đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nâng  tỷ lệ nhựa, bê tông hóa đường giao thông toàn thị xã đạt 61,5%.

Tuy nhiên, số lượng trục đường giao thông nông thôn, đường hẻm trên địa bàn thị xã chưa được bê tông xi măng hiện vẫn còn khá lớn, với khoảng 73 km đường tại các xã: Ea Đrông, Bình Thuận, Ea Siên, Ea Blang và Cư Bao; hơn 14 km đường hẻm tại các phường: An Lạc, An Bình, Thống Nhất, Bình Tân, Thiện An, Đạt Hiếu và Đoàn Kết.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được và trên cơ sở thống kê, khảo sát nhu cầu bê tông các trục đường thực tế tại địa bàn, thị xã đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-HĐND, ngày 30-12-2016 về việc thông qua Đề án, cơ chế hỗ trợ xây dựng đường giao thông thôn, buôn tại các xã, phường và đường hẻm tổ dân phố vận dụng theo Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2017-2020. Theo đó, đối với đường giao thông thôn, buôn tại các xã và buôn tại các phường được hỗ trợ 100 tấn xi măng/1 km; đường hẻm tổ dân phố tại các phường được hỗ trợ 80 tấn xi măng/1 km; đối với đường giao thông tại các buôn có từ 70% trở lên là người DTTS tại chỗ, khó khăn về kinh tế, ngoài mức hỗ trợ 100 tấn xi măng/1 km, ngân sách còn hỗ trợ thêm mỗi km 300 m3 đá 1x2.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.