Kiên trung người cựu tù Phú Quốc
Nhiều năm bị địch giam cầm ở “địa ngục trần gian” Phú Quốc, ông Phạm Đức Hoàng (hiện ở xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) và đồng đội chịu không biết bao cảnh tra tấn tàn độc, nhưng vượt lên tất cả, họ vẫn một lòng theo cách mạng, theo Bác Hồ.
Kiên trung giữa lằn ranh sinh tử
Năm 1964, chàng trai trẻ Phạm Đức Hoàng đi theo cách mạng và được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó là xã đội phó xã Bình Nam, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam). Tháng 3-1969, ông bị sốt nặng phải nằm điều trị thì bị địch bắt và lần lượt giam ở 3 nhà tù: Non Nước (Đà Nẵng), Tân Hiệp (Biên Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Quãng thời gian bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc với ông như phải sống trong “địa ngục trần gian”. Từng phút, từng giờ cứ ám ảnh lấy ông bởi không biết bao nhục hình bị bọn lính cai giáng xuống thân thể. Nhắc lại quá khứ đau thương, ông liên tục khẳng định: “Cùng lắm là chết, chứ chúng tôi không bao giờ phản bội cách mạng”.
Vợ chồng ông Phạm Đức Hoàng cùng con cháu. |
Mỗi lần bị hỏi cung là ngần ấy lần cơ thể yếu ớt của ông phải chống chọi với bao đau đớn, rã rời. Nhẹ thì chúng đổ xà phòng vào miệng, vào người; dùng kích điện để tra tấn. Tàn ác hơn, chúng nhốt ông và đồng đội vào chuồng cọp. “Đó là một cái chuồng nhỏ làm bằng kẽm gai, để ngoài trời và được đặt trên nền cát nóng. Bọn nó lột quần áo, bắt chúng tôi phải ở trong chuồng cọp nhiều giờ liền, không cho ăn uống” – ông xúc động. Đáng sợ không kém, chúng nhốt ông và nhiều đồng đội vào thùng phuy đầy nước, sau đó ấn đầu xuống và dùng vồ đập mạnh khiến họ bị sặc nước, chảy máu tai…
“Cuộc sống với tôi như vậy là quá may mắn và mãn nguyện rồi. Tôi chỉ mong một điều duy nhất là được cùng đồng đội về thăm lại Phú Quốc” – ông Phạm Đức Hoàng. |
Khó có ngôn từ nào miêu tả hết được sự ác độc, tàn bạo của địch, chỉ biết rằng, càng bị tra tấn thì ý chí căm thù, khí phách kiên trung, dũng cảm của người cộng sản càng bừng lên. Điều thể hiện rõ ràng nhất, đó là giữa “địa ngục”, tổ chức của ta vẫn bí mật hoạt động. Các lớp dạy chữ, văn hóa, tuyên truyền cách mạng… vẫn âm thầm diễn ra mỗi ngày. Ông bộc bạch trong niềm tự hào: Chúng tôi viết nội dung tuyên truyền và viết sẵn một bài toán lên góc bảng. Khi thấy bọn lính cai kiểm tra, mọi người giả vờ học tính toán nên bọn địch khó lòng phát hiện. Giữa lằn ranh sống chết ấy, tình đồng đội càng thêm đoàn kết keo sơn, gắn bó, anh em đã nhường nhau từng miếng ăn, tấm áo…
Tháng 3-1973, ông và đồng đội mới được trả tự do khi Hiệp định Pari được ký kết và được tổ chức đưa đi an dưỡng, điều trị bệnh. Năm 1975, ông trở về trong niềm vui vỡ òa của người thân, gia đình.
Vẫn một lòng sắt son
Ông Hoàng và vợ là Đinh Thị Bút, người cùng làng. Cùng chồng tham gia cách mạng, bà lợi dụng việc bán hàng để truyền tin, nắm tình hình cơ sở, thông báo cho cán bộ.
Sau ngày ông bị địch bắt, cả nhà không có bất cứ thông tin nào, ai cũng nghĩ tới trường hợp xấu nhất nên đã lập bàn thờ nhang khói cho ông. Riêng bà, vẫn hy vọng ngày ông trở về. 6 năm ròng rã, người phụ nữ với vóc dáng bé nhỏ ấy tiếp tục làm nhiệm vụ cách mạng giao, vừa một mình nuôi 2 con, vừa thăm hỏi tin tức của chồng. Sau 2 lần bị bọn địch nghi ngờ, bắt và tra tấn bằng đòn roi, chích điện… bà bị bệnh thần kinh, sức khỏe yếu hẳn. Cho đến bây giờ, bệnh tình tuy đã đỡ nhưng mỗi lúc trái gió trở trời, bà vẫn bị động kinh, đập phá đồ đạc, khóc lóc, bỏ nhà đi khiến gia đình bao phen tìm kiếm… Dẫu vậy, ông vẫn tận tình, chạy chữa thuốc thang, chăm sóc chu đáo cho vợ mình.
Hòa bình lập lại, gia đình ông đến Đắk Lắk lập nghiệp ở vùng kinh tế mới Quảng Điền, ông được tín nhiệm và giao nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhiều lúc bị áp lực, vất vả, song người cựu tù đều “hóa giải” tất cả và luôn nêu cao đạo đức cách mạng mà Bác Hồ đã dạy: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc