Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đời sống văn hóa ở Cư Kuin

07:29, 04/04/2017

Thời gian qua, với sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cấp, ngành và nhân dân, chất lượng, hiệu quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện Cư Kuin không ngừng được nâng cao.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 đã kết thúc nhưng với những người làm công tác văn hóa ở huyện Cư Kuin thì niềm vui vẫn còn đong đầy. “Giải Khuyến khích Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên năm 2017 là sự ghi nhận đối với các nghệ nhân tham gia Hội thi. Chưa hết, Đoàn nghệ nhân của huyện còn tham gia biểu diễn một vài tiết mục cồng chiêng tại Lễ hội, để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách gần xa”, chị H’Mỹ Linh H’mok, Phó Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Cư Kuin khoe.

Trò chuyện với chúng tôi, chị H’Mỹ Linh cho hay, ngay từ khi thành lập huyện vào năm 2007, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng đã được Đảng bộ và chính quyền các cấp của huyện hết sức quan tâm. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, UBND huyện phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa tỉnh vận động già làng, nghệ nhân mở 10 lớp học đánh chiêng cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số  trong huyện và trở thành một hoạt động thường niên vào mỗi dịp hè. Bên cạnh đó, Phòng cũng tích cực sưu tầm và vận động người dân bảo tồn được 157 nhà dài truyền thống, 135 bộ cồng, chiêng đồng. Chị H’Mỹ Linh khẳng định: “Những năm trở lại đây, các hoạt động gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện được phát huy là nhờ vào hiệu quả của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương”.

Một lớp học cồng chiêng do nghệ nhân truyền dạy  cho thanh thiếu niên  dân tộc  thiểu số  tại xã  Dray Bhăng.
Một lớp học cồng chiêng do nghệ nhân truyền dạy cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại xã Dray Bhăng.

Ông Bùi Thế Đông, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện cho biết, xác định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp luôn chú trọng, từ đó thu hút được đông đảo các lực lượng chính trị xã hội tham gia. Nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã có những cách làm hay như:  tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác vận động phong trào các cấp; hằng năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; gặp mặt biểu dương gia đình tiêu biểu; phục dựng, tổ chức các ngày lễ, hội của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Nếu như năm 2007, toàn huyện chỉ có 10.700/20.000 hộ (đạt 53,5%) đạt chuẩn gia đình văn hóa, thì đến nay có gần 17.000/gần 22.500 hộ (đạt 76%); 69/113 thôn, buôn được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt 61%.  Phong trào rèn luyện thể dục, thể thao ngày càng phát triển cả bề rộng, lẫn chiều sâu và được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Hiện toàn huyện đã có 15 sân tập thể dục thể thao, 3 sân tennis, 12 sân bóng đá mini và 17 sân cầu lông... hằng ngày thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân đến tập luyện và thi đấu. 100% trường học đều tổ chức hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa. Hằng năm huyện tổ chức từ 5 đến 7 giải thể thao và thành lập đoàn tham gia các giải thể thao do tỉnh tổ chức…

Ông Võ Tấn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin cho rằng, việc triển khai đồng bộ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có tác dụng đối với việc giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Phát huy những kết quả đạt được, từ nay đến năm 2020, huyện phấn đấu có trên 80% số hộ được công nhận gia đình văn hóa; 80% thôn, buôn được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa; 95% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 80% số hộ dùng nước sạch hợp vệ sinh; 30% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 50% số người dân ở cơ sở tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa, thể thao ở cộng đồng…

Nguyễn Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.