Phòng, chống tác hại thuốc lá: Bắt đầu từ nâng cao nhận thức của người dân
Sau 4 năm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đi vào đời sống, số lượng người hút thuốc lá có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Do đó, cần phải thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá.
Tác hại khôn lường từ thuốc lá
Theo các chuyên gia Y tế, thuốc lá chứa gần 4.000 chất độc gây hại, nên dù hút thuốc chủ động hay thụ động (người hít phải khói thuốc trong môi trường không khí) đều có ảnh hưởng rất nguy hiểm đến sức khỏe. Khi hút thuốc, các chất có trong lá cây thuốc và sản phẩm phụ gia được hít vào có thể gây nên 25 loại bệnh khác nhau, trong đó nguy cơ ung thư phổi tăng lên từ 10-20 lần và tuổi thọ trung bình giảm từ 5-10 năm. Không những thế, người không hút thuốc, nhưng thường xuyên ở trong môi trường có khói thuốc sẽ hít vào lượng khói thuốc tương đương với việc hút 5 điếu thuốc/ngày. Trẻ em hít phải khói thuốc lá thường xuyên dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp nhiều hơn những trẻ khác. Nguy hiểm hơn, các thai phụ thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân.
Nhiều người dân vô tư nhả khói thuốc tại trạm dừng xe buýt ở TP. Buôn Ma Thuột. |
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, thuốc lá giết chết hơn 7 triệu người trên thế giới mỗi năm, và 80% những người này sống ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình. Còn tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật; tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm ở 5 nhóm bệnh thường gặp liên quan đến thuốc lá (gồm: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, nhồi máu cơ tim, đột qụy và phổi tắc nghẽn mãn) là hơn 23.000 tỷ đồng/năm; tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền
Ngay sau khi Luật PCTHTL có hiệu lực (1-5-2013), UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học... quán triệt sâu sắc nội dung của Luật tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân. Đồng thời, để giảm hành vi hút thuốc lá, Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh còn yêu cầu các ngành thành viên tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tác hại của thuốc lá; vận động cán bộ, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị gương mẫu không hút thuốc lá; chú trọng xây dựng và thực hiện môi trường cơ quan, đơn vị không có khói thuốc…
Với những nỗ lực trên, công tác PCTHTL đã có sự chuyển biến nhất định. Song, trên thực tế mới chỉ chủ yếu trong lực lượng cán bộ công chức, viên chức, còn phần đông người dân vẫn thờ ơ với các quy định của pháp luật. Qua tìm hiểu có thể thấy, ngoài thói quen hút thuốc lá khó từ bỏ còn nguyên nhân do công tác tuyên truyền về Luật PCTHTL chưa thực sự đến với người dân; hoạt động tuyên truyền chưa thường xuyên; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Cán bộ Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe phát tờ rơi tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá cho học sinh huyện Cư Kuin. |
Bên cạnh đó, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử vẫn được bán tràn lan ở nơi công cộng, quán cà phê, nhà hàng, địa điểm vui chơi, thậm chí bán qua mạng và giao thuốc đến tận tay người dùng… đang là “rào cản” trong việc bỏ thuốc lá. Hơn nữa, theo quy định của Luật PCTHTL, hành vi hút thuốc lá ở những nơi bị cấm sẽ bị xử phạt, nhưng cho đến thời điểm này, việc xử phạt chưa được thực thi nghiêm túc khiến không ít người “nhờn” Luật.
Rõ ràng, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người là rất nghiêm trọng. Do đó, để giảm hành vi hút thuốc và tác hại của khói thuốc với con người và môi trường, việc làm quan trọng nhất vẫn là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về PCTHTL để thay đổi cho được nhận thức và hành vi của người dân, nhất là vị thành niên, thanh niên.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc