Cần trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ
Hệ thống ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh nhiều, trong khi đó vào những ngày nghỉ học, nhất là dịp hè, trẻ em thường rủ nhau đi tắm, vui chơi ở những khu vực này dẫn đến những trường hợp tai nạn đuối nước đáng tiếc.
Những con số thương tâm
Đã gần 1 tháng trôi qua nhưng gia đình ông Vũ Văn Cương (tổ dân phố 1, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết thương tâm của 2 cháu ngoại gồm Dương Vũ Nhật Trường và Phạm Vũ Tiến Phát đều sinh năm 2010, cùng học lớp 1A, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ. Cháu Trường sống với ông bà ngoại từ nhỏ, nhà Phát ở gần đó nên thường chơi chung với nhau. Chiều ngày 7-5-2017, Phát qua rủ Trường đi chơi. Đến 16 giờ, mọi người phát hiện 2 cháu chết đuối trong một hồ nước cách nhà chừng 50 m.
Trên đây là 2 trong số 19 em đã bị đuối nước trong 5 tháng đầu năm 2017. Tai nạn đuối nước trẻ em xảy ra ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó địa phương có nhiều trẻ em tử vong nhất là các huyện: Cư M’gar, M’Đrắk, Krông Pắc, Cư Kuin và TP. Buôn Ma Thuột.
Trẻ em tập bơi tại một hồ bơi tư nhân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2010 đến 2016, toàn tỉnh có 377 trẻ em bị tử vong do đuối nước, chủ yếu trong độ tuổi từ 3-16 tuổi, trong đó 30% chết đuối do đi chơi các thác nước, 65% chết do tắm, bơi ở các hồ tưới tiêu, đập nước, 5% chết vì ngã xuống giếng, hục nước, cá biệt có trường hợp ngợp trong lu chứa nước tại nhà do bất cẩn của người thân. Phần lớn các trường hợp đuối nước xảy ra khi không có người lớn bên cạnh, một số trường hợp khác tuy được người lớn phát hiện kịp thời nhưng cũng bị tử vong do người sơ cứu đuối nước chưa có đủ kiến thức, kỹ năng.
Trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ
Trước tình trạng tai nạn đuối nước của trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Sở LĐTBXH đã triển khai công tác phối hợp liên ngành với 9 đơn vị, đoàn thể về phòng, chống đuối nước trẻ em. Qua đó, hoạt động tuyên truyền phòng chống đuối nước đã được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như: xây dựng các phóng sự, phát tờ rơi, lồng ghép trong các buổi họp ở cộng đồng dân cư, rèn luyện kỹ năng cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, giờ chào cờ, tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kỹ năng sơ cấp cứu, xử lý các tình huống nguy hiểm khi gặp tai nạn đuối nước…
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song tình hình trẻ em bị tai nạn đuối nước vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống ao, hồ, sông, suối, thác nước tự nhiên của tỉnh nhiều, số đập, giếng nước, hồ tưới tiêu của các nông trường, nông hộ tương đối lớn nhưng hệ thống rào chắn, biển báo, biển cấm đề phòng nguy hiểm hầu như chưa được chú trọng; công tác phổ cập bơi lội cho trẻ gặp nhiều khó khăn cả về kinh phí, cơ sở vật chất và nhân lực; một số gia đình thiếu quan tâm, nhắc nhở, bảo vệ trẻ em; trẻ thiếu kỹ năng nhận diện nguy hiểm và tự bảo vệ mình…
“Để phòng chống đuối nước cho trẻ, bên cạnh nỗ lực, vào cuộc của các ngành chức năng, địa phương, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dạy trẻ biết bơi. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, trước hết cha mẹ cần chủ động trang bị kỹ năng bơi lội cho con, cách xử lý tình huống khi bơi, sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi của trẻ...”, bà Tô Thị Tâm, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH khẳng định.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc