Kỷ niệm với biên giới Ea Súp
Huyện biên giới Ea Súp là một trong những địa phương mà tôi đến nhiều nhất từ khi bắt đầu với nghề báo cho đến nay, cũng là nơi ghi dấu những kỷ niệm khó quên.
Còn nhớ dịp đầu xuân 2017, chúng tôi may mắn được tới thăm Đồn Biên phòng Bo Heng – một trong những đồn biên phòng đứng chân ở địa bàn xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh. Để đến với Bo Heng, chúng tôi phải đi qua những cung đường đất xa hun hút, lởm chởm ổ voi, ổ gà... Những cái bắt tay thân mật, sự đón tiếp ân cần của người lính nơi biên cương như phần nào xóa tan sự mệt nhọc của đoàn khách. Ngày hôm đó, chúng tôi được tham quan doanh trại, cột mốc 46; giao lưu văn hóa, văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ; được thưởng thức cơm bộ đội với nhiều đặc sản “cây nhà lá vườn”…
Cuối chiều, nắng vùng biên vẫn chưa bớt nhiệt, chúng tôi theo chân các cán bộ Đồn Biên phòng Bo Heng qua thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn cảnh sát bảo vệ biên giới Cô Ban Đom Rây (tỉnh Mundulkiri, Vương quốc Campuchia). Vì là chuyến “xuất ngoại” đầu tiên trong đời nên tôi ấn tượng với tất cả mọi thứ.
Hai đồn cách nhau chỉ tầm 800 mét, nhưng để qua lại phải vượt qua con suối Đắk Đam, với phương tiện duy nhất là chiếc bè tự chế, có sức chứa chỉ từ 2 – 3 người/chuyến. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi được trang bị áo phao và hướng dẫn cách giữ thăng bằng khi bè ra giữa dòng nước. Vừa kéo sợi dây thừng để chiếc bè di chuyển, cán bộ Đồn Biên phòng Bo Heng vừa kể cho chúng tôi nghe, trước đây muốn qua suối đều có xuồng, nhưng cơn lũ hung hãn năm trước đã cuốn đi tất cả nên anh em phải kết bè đi tạm…
Phóng viên các báo, đài tác nghiệp tại lễ khởi công đường điện thắp sáng hỗ trợ lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia. |
Bên kia con suối, các chiến sĩ Đồn cảnh sát bảo vệ biên giới Cô Ban Đom Rây tươi cười chào đón, trò chuyện cùng chúng tôi bằng tiếng Việt và vui vẻ dẫn đi tham quan doanh trại. Họ chân tình cho biết rằng, từ lương thực thực phẩm, thuốc men, vật liệu xây dựng, cho đến đường điện thắp sáng… đều được Đồn Biên phòng Bo Heng giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình. Chẳng có quá nhiều thời gian để chuyện trò, thăm hỏi, nhưng ánh mắt thân thiện, cách nói chuyện hài hước, gần gũi của các chiến sĩ cũng đủ để tôi cảm nhận được một tình bạn gắn bó, chân thành…
Dịp khác, vào cuối tháng 5-2017, các đơn vị phối hợp tổ chức chương trình “Vì đàn em thân yêu” tại thôn Thanh niên lập nghiệp (xã Ya Lốp). Từ TP. Buôn Ma Thuột đến đó khoảng 150 km nên tôi phải xuất phát từ 5 giờ sáng. Sau khi đi nhờ xe quân sự tới thị trấn Ea Súp, tôi tiếp tục đi nhờ xe tải chở hàng của Huyện Đoàn Ea Súp với 3 thanh niên mới gặp lần đầu, vượt thêm khoảng 70 km đường biên giới xa xôi, heo hút…
Xe tới địa bàn xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) thì gặp phải dòng nước lũ chảy xiết, tràn qua mặt đường. Nhờ tính toán kỹ lưỡng, cộng với tay lái cừ khôi, anh tài xế đã đưa chúng tôi qua khỏi dòng nước lớn một cách an toàn. Gần 70 km đường biên cứ thế gần và nhẹ nhàng hơn khi tôi được nghe những câu chuyện tếu táo, trẻ trung của các anh về công việc, người thân, gia đình… Đến thôn Thanh niên lập nghiệp tầm 10 giờ sáng, nhìn lũ trẻ thích thú với những món đồ chơi được tặng, tôi dần quên hết mọi mệt nhọc, ưu phiền…
Kết thúc chương trình, tôi lại theo chân những người bạn mới quen để trở về thị trấn Ea Súp. Vẫn con đường hun hút, đầy rẫy ổ voi, ổ gà ấy, nhưng tâm trạng chúng tôi thoải mái hơn. Các anh vui vì đã mang được nhiều đồ chơi tự chế tặng các em nhỏ vùng biên. Còn tôi nhẹ nhõm hơn bởi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao… Về đến TP. Buôn Ma Thuột khi hoàng hôn buông xuống, tôi vội vã làm nốt nhiệm vụ còn lại của mình. Đó là chuyển thông tin chương trình lên Báo Đắk Lắk cho bạn đọc, đặc biệt là những người bạn mới quen được biết.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc