Nỗi đau tai nạn lao động (Kỳ 2)
Kỳ 2: Để giảm bớt nỗi đau tai nạn lao động
Để giảm thiểu tai nạn lao động phải bắt đầu từ chính công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Do vậy, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, đòi hỏi sự vào cuộc, tự giác của cả doanh nghiệp và người lao động.
Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền
Thực tế cho thấy, chính ý thức chấp hành các quy định pháp luật về công tác bảo đảm ATVSLĐ của cả chủ sử dụng lao động và người lao động chưa cao, vẫn còn tình trạng làm “cho có” nên việc xảy ra tai nạn lao động là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức, thanh, kiểm tra nhắc nhở, thậm chí xử phạt là điều cần thiết.
Trong 18 năm tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – Phòng chống cháy nổ, Ban Chỉ đạo Tuần lễ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng về phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào xanh – sạch – đẹp; tổ chức tập huấn an toàn lao động, diễn tập phòng cháy chữa cháy, vận động dọn vệ sinh, trồng cây xanh tại nơi làm việc.
Các cấp, ngành, địa phương cũng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế, vi phạm, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Hằng năm, Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra khoảng 20-40 doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ; các ngành, địa phương cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở LĐTBXH cũng tiến hành thanh tra về việc chấp hành pháp luật, ATVSLĐ trên 120 đơn vị, doanh nghiệp mỗi năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Huy, Phó Chánh thanh tra Sở LĐTBXH, do lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra mỏng nên việc kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh công tác an toàn lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, thẩm quyền xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động của Chánh Thanh tra Sở tối đa ở mức 37,5 triệu đồng đối với cá nhân và 75 triệu đồng đối với tổ chức nên chưa đủ sức răn đe.
Nâng cao ý thức tự phòng tránh
Để xây dựng được “văn hóa an toàn” trong lao động rất cần sự nỗ lực, phối hợp đồng bộ từ nhiều phía, nhất là ý thức phòng tránh của người sử dụng lao động và người lao động.
Đoàn Sở LĐTBXH thăm, động viên, tặng quà chị Ngô Thị Minh (TP. Buôn Ma Thuột) bị tai nạn lao động mất 98% sức khỏe. |
Ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng ATVSLĐ tỉnh cho biết, với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay tập trung vào công tác truyên truyền về Luật ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động; xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ. Tỉnh cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, việc làm, ATVSLĐ và bảo hiểm xã hội tại 32 doanh nghiệp từ ngày 18-5 đến 28-6. Riêng Thanh tra Sở LĐTBXH cũng tiến hành thanh tra khoảng 100 đơn vị về việc chấp hành pháp luật lao động, công tác ATVSLĐ.
Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, ngành rất cần sự hợp tác, chủ động phòng tránh của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động và người lao động. Đối với các doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình làm việc an toàn và nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho người lao động, tăng cường đầu tư kinh phí để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ, xây dựng và củng cố hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, người lao động phải nâng cao nhận thức về quyền của mình trong an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp và sử dụng đầy đủ trang bị bảo vệ cá nhân, tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động trong vận hành, sản xuất để tự bảo vệ mình.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc