Tăng cường hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại cộng đồng
Thời gian gần đây, mức độ, hậu quả các vụ việc bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng. Nhân Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN VĂN HÀ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch xung quanh vấn đề này.
°Thưa ông, xin ông cho biết khái quát về thực trạng vấn đề bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Theo thống kê của cơ quan chức năng, số vụ việc bạo lực gia đình có chiều hướng giảm, nếu như năm 2009 toàn tỉnh xảy ra 1.780 vụ bạo lực gia đình thì năm 2016 toàn tỉnh chỉ còn 752 vụ; tuy nhiên, tính chất, mức độ và hậu quả của các vụ việc thì ngày càng nghiêm trọng, số nạn nhân là phụ nữ, trẻ em chiếm tỷ lệ cao. Tính từ năm 2012 đến năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 4.555 vụ bạo lực gia đình, trong đó, hơn 70% nạn nhân là phụ nữ, với 35,8% vụ việc bạo lực tinh thần, 49,3% vụ bạo lực thân thể, 5,03% vụ bạo lực tình dục và 9,7% vụ bạo lực kinh tế.
°Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn đến bạo lực gia đình và hậu quả của nó như thế nào, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là tư tưởng bất bình đẳng giới, trong khi đó, nạn nhân các vụ việc bạo lực gia đình thường nhẫn nhịn, chấp nhận hành vi bạo lực vì quan niệm “xấu che, tốt khoe” hoặc “xấu chàng hổ ai” đã tạo ra sự bao che, dung túng cho hành vi bạo lực gia đình tiếp diễn. Nguyên nhân thứ hai là do công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình chưa hiệu quả, người dân chưa ý thức được hành vi vi phạm pháp luật; việc thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở một số địa phương chưa nghiêm, chưa có tính răn đe, giáo dục.
Hành vi bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho gia đình và xã hội. Đặc biệt, đối với phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương trong gia đình, họ thường rơi vào trạng thái u buồn, sống khép kín, tự ti, giảm sút sức lao động và chất lượng học tập, căng thẳng, tuyệt vọng, thậm chí tự tử…
°Để phòng, chống bạo lực gia đình, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào hoạt động gì, thưa ông?
Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã đạt được những kết quả nhất định. Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả hơn, UBND tỉnh đã ban Kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020.
Theo đó, song song với các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục chú trọng triển khai nắm bắt thông tin, can thiệp, xử lý vụ việc và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại cộng đồng; củng cố mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên về phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng; cung cấp các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khỏe, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập; tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người là nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình; nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn các thôn, buôn, tổ dân phố.
°Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc