Chuyện về vợ chồng "Hồ Giáo Ea Bông"
Vào tháng 6-1967 Nguyễn Công Khẩn (sinh năm 1945) và bà Hoàng Thị Vam (sinh năm 1946) cùng quê ở Nam Định theo tiếng gọi của Tổ quốc đã xung phong vào chiến trường và được phiên chế vào Tổng đội Thanh niên xung phong N39. Cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, năm 1988 ông bà được đơn vị giải quyết cho ra quân rồi họ tổ chức kết hôn khi cả hai đều là thương binh 4/4 và đều đã ngoài 40 tuổi. Với hai bàn tay trắng, ông bà đã đi khắp nơi tìm kế thoát khỏi nghèo khó. Mãi đến năm 1999 gia đình ông mới đến định cư ở xã Ea Bông (Krông Ana).
Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp trên mảnh đất Tây Nguyên này, ông Khẩn bảo, chỉ có ý chí mới giúp họ vượt qua khó khăn. Lúc ấy, ngoài mấy sào đất cà phê liên kết với Nông trường cà phê Krông Ana, do ông bà là những người đến sau, vốn liếng lại ít nên chỉ mua được một khu đất đầm lầy, mọc đầy lau sậy để khởi nghiệp. Hai ông bà cùng người con trai lớn vừa chăm sóc diện tích cà phê liên kết với nông trường, vừa cải tạo đầm lầy làm ruộng lúa và đắp nền để làm nhà. Cuộc sống lúc đó còn rất khó khăn, có những lúc tưởng như không thể vượt qua được, nhưng vợ chồng hai cựu thanh niên xung phong luôn lạc quan yêu đời, động viên các con cùng vượt qua tất cả.
Nhờ nỗ lực không biết mệt mỏi, sau một thời gian ngắn ông đã có trong tay hơn 4 ha cà phê, hơn 1 sào ruộng nước và hai căn nhà khang trang ngay trên chính đất đầm lầy năm xưa. Kinh tế gia đình ông bà cũng dần ổn định, cuộc sống không chỉ hết vất vả mà còn có “của ăn của để”, cả 4 người con (3 trai, 1 gái) có cuộc sống ổn định.
Vợ chồng ông Khẩn vui vầy cùng các cháu. |
Còn cái biệt danh "Hồ Giáo Ea Bông" không phải ông tự nghĩ ra, mà xuất phát từ sự cảm phục trước nỗ lực vượt khó, cách làm sáng tạo, khoa học của vợ chồng ông mà đồng đội và người dân trong vùng trân trọng đặt cho. Ấy là vào năm 2012, ông mua một con bò giống sinh sản để phát triển chăn nuôi. Thế là hằng ngày, buổi sáng làm công tác xã hội (ông Khẩn đang là Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong xã Ea Bông), buổi chiều ông lại cắt cỏ, nuôi bò. Thế mà chỉ sau 5 năm, với sự “mát tay” của mình, đàn bò của ông đã phát triển trên 20 con.
Không chỉ chăm lo cuộc sống gia đình, với vai trò là Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong xã, ông Khẩn đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo cho đời sống của các hội viên. Đến nay 50 hội viên trong hội đều được nhận hỗ trợ từ chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong như quy định, có cuộc sống cơ bản ổn định. Đáng nói hơn, nhiều hội viên đã phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu nhờ học tập mô hình sản xuất của vợ chồng ông Khẩn.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc