Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày-bài toán khó ở Ea Rốk

08:44, 11/07/2017

Những năm gần đây, xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) đã có những kết quả đáng khích lệ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Song, ẩn sau niềm vui của sự đổi thay ấy là nỗi buồn và hệ lụy từ cách nghĩ “đông con hơn đông của” của nhiều người dân nơi đây.

Mặc cho cái nắng gay gắt của vùng biên Ea Súp, chị H’Yuer Siu, cộng tác viên dân số thôn 8 vẫn miệt mài “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, giải thích hậu quả của việc đẻ nhiều, đẻ dày cho các gia đình trong thôn. Thế nhưng, bên cạnh một số gia đình vui vẻ “hợp tác”, không ít hộ chỉ gật đầu cho qua chuyện, thậm chí có hộ còn né tránh, đóng cửa mỗi khi chị đến tuyên truyền, bởi họ cho rằng sinh nhiều, sinh ít là chuyện vợ chồng họ quyết định, không cần ai can thiệp. Vì vậy, trong số 166 hộ của thôn có đến trên 50% số hộ sinh từ 3 con trở lên. Đa số những gia đình đông con đều rơi vào diện hộ nghèo.

Tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày xảy ra ở hầu hết các thôn, buôn trên địa bàn xã Ea Rốk. Nhiều hộ dân vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn đông con – đói nghèo. Đơn cử như trường hợp gia đình chị Vũ Thị Lan ở thôn 17. Mới ngoài 30 tuổi nhưng chị Lan đã có 4 mặt con gồm 3 gái 1 trai. Vì sinh đông con, khoảng cách lại gần nhau nên chị Lan không có thời gian để đi làm kiếm tiền, chi tiêu của cả gia đình 6 nhân khẩu đều phụ thuộc vào tiền làm thuê ít ỏi, bữa có bữa không của người chồng. Nhiều năm nay, gia đình chị Lan luôn là một trong những hộ nghèo của thôn. Chị Lan chia sẻ: Vẫn biết đẻ nhiều là khổ, trong nhà chẳng đủ cái ăn, con cái cũng không có sữa để uống, nhưng vì gia đình chồng tôi thích có con trai nên tôi cũng thuận ý chiều theo. Qua 3 lần sinh đầu đều là con gái, tôi đành mang thai lần thứ tư, may là được con trai!

Chị Nguyễn Thị Thúy, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Rốk tuyên truyền về cách sử dụng biện pháp tránh thai an toàn.
Chị Nguyễn Thị Thúy, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Rốk tuyên truyền về cách sử dụng biện pháp tránh thai an toàn.

Để giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, giảm tỷ lệ gia tăng dân số ở xã Ea Rốk, những năm qua, chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp để tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân như: treo băng rôn, khẩu hiệu; tư vấn nhóm, truyền thông trực tiếp hộ gia đình; cung cấp kịp thời, đa dạng các phương tiện tránh thai đến tận tay người sử dụng… song hiệu quả vẫn còn hạn chế. Theo số liệu từ Ban Dân số – Kế hoạch hóa gia đình xã Ea Rốk, năm 2016 có 156 trẻ được sinh ra, trong đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm 12,8%, tỉ lệ gia tăng dân số là 1,3%; riêng 6 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong toàn xã  gần 13%, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Chị Nguyễn Thị Thúy, cán bộ chuyên trách dân số xã  Ea Rốk cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sinh con thứ 3, nhưng chủ yếu vẫn là quan niệm, nhận thức của bà con; đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Trên thực tế, khi các hộ có nhiều con thì dễ rơi vào cảnh đói nghèo, mà đã đói nghèo thì ít có điều kiện tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, vì thế nguy cơ vỡ kế hoạch, có nhiều con lại càng lớn và cái vòng luẩn quẩn “đông con - đói nghèo” cứ thế lặp lại khiến cho cái nghèo đeo bám dai dẳng.

Rõ ràng, giải quyết bài toán đói nghèo do đẻ nhiều, đẻ dày, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở xã Ea Rốk không phải là việc dễ dàng trong một sớm, một chiều mà cần có chiến lược lâu dài. Hơn nữa, ngoài những biện pháp quyết liệt từ phía cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động, đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, rất cần sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương để “đánh thức” sự đồng thuận nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình đối với cộng đồng trong việc giảm thiểu tình trạng sinh nhiều con, gia tăng dân số.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.