Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ khuyết tật có tấm lòng nhân hậu

22:04, 10/07/2017

Năm 1993, bà Lê Thị Chắt và 2 đứa con được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Đôi chân tật nguyền, đi lại bất tiện nên việc sinh hoạt hằng ngày của bà Chắt gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm và sự nỗ lực của bản thân, bà Chắt đã vượt qua tất cả để tự lo cho mình và các con trưởng thành. Không những thế, bà còn tình nguyện giúp đỡ, chăm sóc nhiều người khuyết tật và bị bệnh hiểm nghèo tại Trung tâm.

Năm nay bà Chắt đã 60 tuổi. Đi lại khó khăn do đôi chân bị khuyết tật nhưng bà vẫn tình nguyện nhận chăm sóc 3 đối tượng bị liệt giường và 1 đối tượng bị bệnh hiểm nghèo. Hằng ngày, bà Chắt dậy từ sớm để lau dọn phòng ở và vệ sinh cá nhân rồi lần lượt giúp đỡ từng người từ việc vệ sinh, thay quần áo, ăn uống, đến việc vui chơi, học tập… Đêm đến, sau khi mọi người đi ngủ, bà mới yên tâm lên giường. 

Suốt 24 năm qua kể từ khi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, bà Chắt đã tình nguyện nhận chăm sóc cho hàng chục người già, người khuyết tật và trẻ em bất hạnh... Trong số đó, có những em đã thi đỗ đại học, có công ăn việc làm ổn định; có người đã xây dựng gia đình và cuộc sống hạnh phúc; có người được sống trong niềm vui của tuổi già…

Bà Lê Thị Chắt đang chăm sóc các trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Bà Lê Thị Chắt đang chăm sóc các trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Bà Chắt tự nhủ những năm qua bà đã nhận được nhiều tình thương, sự giúp đỡ của các nhân viên ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, vì thế việc bà giúp đỡ những người khác cũng là lẽ đương nhiên. Bà bộc bạch: “Tôi thấy nhiều trường hợp khổ quá, gặp hoàn cảnh bất hạnh hơn mình rất nhiều, nhất là những em khuyết tật “ăn không biết nói, đói không biết kêu” nên tôi giúp đỡ các cháu như con, như cháu của mình”. Nhờ bà Chắt động viên, giúp đỡ tận tình, nhiều người đã bỏ qua sự mặc cảm, tự ti, vượt qua hoàn cảnh để vươn lên trong cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Chỉ, một đối tượng đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nhận xét: “Bà Chắt cũng là người tàn tật nên bà hiểu được tâm lý của những người cùng cảnh ngộ. Bà chăm sóc cho các cháu ở đây rất tận tình, chu đáo, đối xử với các cháu như người mẹ, người bà”.

Hiện nay, Phòng Chăm sóc người già và người khuyết tật thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh có 14 nhân viên, đảm nhiệm việc chăm sóc cho 82 đối tượng, trong đó có 30 người cần được phục vụ thường xuyên. Công việc hết sức vất vả. Vì vậy, sự tự nguyện chăm sóc các đối tượng ở Trung tâm của bà Chắt còn giúp công việc của những nhân viên nơi đây bớt khó khăn, vất vả. Chị Đặng Thị Thu, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: “Cô Chắt đã giúp đỡ Trung tâm rất nhiều trong việc chăm sóc những trẻ em ở đây. Tuy là một đối tượng thuộc diện quản lý của Trung tâm nhưng cô Chắt lại là một tấm gương về nghị lực và một tấm lòng nhân hậu, giúp “mái nhà chung” Trung tâm Bảo trợ xã hội thêm ấm áp tình người”.

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc