Multimedia Đọc Báo in

Người có uy tín tiêu biểu ở buôn Kniết

15:38, 22/07/2017

Ông Y Djan Êban (sinh năm 1950, dân tộc Êđê) ở buôn Kniết, xã Ea Ktur (huyện Kuin) là người có uy tín ở buôn, luôn đi đầu trong các hoạt động, phong trào của địa phương.

Buôn Kniết là buôn đầu tiên trong 6 buôn của xã Ea Ktur huy động được sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của ông. Buôn có 246 hộ (1.198 khẩu), đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trước đây, con đường đất dẫn vào buôn, mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt, mùa khô bụi bay mù mịt khiến cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ông Y Djan đã kiên nhẫn đi đến từng nhà dân trong buôn để vận động bà con đóng góp tiền của, công sức làm đường giao thông nông thôn. Nhờ vậy, người dân tự nguyện đóng góp 186 triệu đồng, 840 ngày công cùng với sự hỗ trợ của UBND xã, doanh nghiệp đã bê tông hóa được 415 m và san ủi 220 m đường để đi lại thuận lợi hơn.

Trước đây, người dân có thói quen xả rác tùy tiện, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa buôn Kniết và thôn 12 trở thành nơi tập kết rác, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến phương tiện lưu thông trên đường. Trước tình trạng đó, ông Y Djan đã chủ động phối hợp với Ban tự quản thôn 12, huy động mỗi hộ dân tham gia 1 ngày công thu dọn sạch rác, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, đồng thời hướng dẫn cách xử lý rác, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về vệ sinh môi trường. Đến nay, toàn bộ rác thải sinh hoạt đã được các hộ gia đình thu gom, đào hố chôn lấp, không còn tình trạng vứt rác ra các bãi đất trống hay ven đường.

Ông Y Djan (giữa) trò chuyện với người dân trong buôn.
Ông Y Djan (giữa) trò chuyện với người dân trong buôn.

Với vai trò là Quản nhiệm Chi hội Tin lành buôn Kniết, trong các buổi lễ ông đều dành thời gian tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phân tích cho người dân hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân… Nhờ đó mà trong buôn ít xảy ra các vụ việc xung đột, tranh chấp hay tình trạng thanh niên tụ tập rượu chè, cờ bạc, gây gổ đánh nhau.

 Không chỉ tích cực trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ông còn là tấm gương về làm kinh tế giỏi. Hiện ông đang sở hữu 1 ha cà phê, 1.000 trụ tiêu và gần 100 con heo thịt, thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông thường xuyên vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Với những đóng góp trên, ông nhiều lần được các cấp khen thưởng. Mới đây, ông vinh dự được Ban Dân tộc tỉnh tặng Giấy khen về thành tích là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số.          

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.