Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh viêm kết mạc cấp

15:08, 22/07/2017

Một trong những căn bệnh mà hiện nay nhiều người mắc phải do ảnh hưởng của thời tiết, môi trường là bệnh viêm kết mạc cấp (còn gọi là đau mắt đỏ).

Bệnh này có xu hướng lây lan nhanh trong cộng đồng nên dễ gây thành dịch. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết cách phòng ngừa và điều trị hợp lý thì sẽ tránh được dịch bệnh.

Bệnh viêm kết mạc cấp có thể lây từ người này sang người khác do virút gây bệnh. Virút có rất nhiều trong nước mắt, gèn mắt người bệnh và có thể lây cho người khác nếu dùng chung các vật dụng sinh hoạt (khăn mặt, thau rửa mặt). Bệnh thường lây ở những người trong cùng gia đình, các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, công sở... hoặc lây qua môi trường bể bơi, sau những đợt mưa kéo dài, ngập lụt.

Ngoài ra, bệnh viêm kết mạc cấp còn lây qua đường hô hấp: nước mắt được tiết ra sau khi làm nhiệm vụ dinh dưỡng và làm sạch cho mắt sẽ thoát qua đường dẫn nước mắt (lệ đạo) để xuống mũi, họng. Ở người bị viêm kết mạc cấp, trong nước mắt có chứa rất nhiều virút và khi bệnh nhân nói chuyện, ho hoặc hắt hơi thì virút sẽ theo nước bọt bắn ra ngoài và lây bệnh cho người khác.

      Bác sĩ Bện viện Mắt Tây Nguyên khám bệnh cho người dân.   Ảnh:  K. Oanh
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Tây Nguyên khám bệnh cho người dân. Ảnh: K. Oanh

Khi bị viêm kết mạc cấp, người bệnh có cảm giác cộm rát như có cát ở trong mắt, đau nhức vùng quanh mắt, gèn nhiều và bám chặt mi mắt khi ngủ dậy, mắt đỏ.

Nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc cấp là do vi trùng, nấm, hay gây thành dịch viêm kết mạc do virút. Thời gian ủ bệnh từ 2-3 ngày, bệnh nhân thấy mệt mỏi, viêm họng, nổi hạch, mắt đỏ, sưng, ra nhiều gèn, có thể buổi sáng ngủ dậy bệnh nhân không tự mở mắt ra được. Bệnh lành tính nhưng ảnh hưởng đến sinh hoạt. Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Thơm, Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh) khuyến cáo: “Nếu thấy các triệu chứng đau mắt như trên, người bệnh nên đến khám tại chuyên khoa Mắt để được hướng dẫn điều trị, không nên tự ý  mua thuốc về nhỏ mắt, tránh làm bệnh lại nặng thêm... Khi  bị viêm kết mạc cấp, bệnh nhân cần được cách ly, nghỉ học, nghỉ làm ít nhất 7 ngày. Mọi người trong gia đình nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, không dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt... Luôn vệ sinh dụng cụ sinh hoạt sạch sẽ, khi đi đường nên đeo kính, tra nước muối sinh lý để rửa mắt”.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, không nên dùng lá trầu không để xông mắt, không tự ý pha nước muối  để nhỏ mắt vì nếu pha nước muối không đúng nồng độ sẽ gây nguy hiểm cho mắt.

Nhiều người mắc bệnh viêm kết mạc cấp cùng thời điểm có thể gây thành dịch và dịch bệnh thường kéo dài khoảng 3 - 4 tuần, tuỳ thuộc vào thời tiết. Vì vậy, biện pháp tốt nhất vẫn là phòng ngừa để tránh lây lan cho cộng đồng.     

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.