Nỗ lực vươn lên làm giàu của một thương binh nặng
Ở thôn Kim Phát, xã Hoà Hiệp, huyện Cư Kuin, ai cũng biết tiếng ông Đàm Văn Hinh là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhưng ít ai biết rằng, ông là một thương binh nặng, và để có được thành quả ngày hôm nay là cả một nỗ lực không biết mệt mỏi.
Sinh ra và lớn lên tại xã Liên Bảng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, tháng 6 năm 1977, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã nhập ngũ vào đơn vị C3, tiểu đoàn 7, sư 320 thuộc Quân đoàn 3. Tháng 1-1978, ông tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Sau 2 lần bị thương về nước điều trị rồi quay trở lại đơn vị chiến đấu, năm 1981 ông về nước và chuyển ngành với tỷ lệ thương tật 35%.
Ông Đàm Văn Hinh bên vườn cây trĩu quả. |
Trong quá trình tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp, ông gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên như một cơ duyên. Ấy là vào năm 1982, ông xin vào làm việc tại Sở Xây dựng Đắk Lắk và được phân công công tác tại Xí nghiệp Gạch ngói xã Hoà Hiệp, huyện Krông Ana (nay là huyện Cư Kuin). Tại đây, ông đã gặp và nên duyên với một cô giáo và là người vợ hiện nay của ông. Đến năm 1986, ông được điều về công tác tại UBND xã Hoà Hiệp, phụ trách việc thu thuế. Năm 1992, kinh tế gia đình khó khăn nên ông xin nghỉ việc Nhà nước để về tăng gia sản xuất. Mở đầu cho việc làm kinh tế gia đình, ông cùng vợ nấu rượu, nuôi heo cho đến năm 1998, vợ chồng ông mua một mảnh đất, vừa sản xuất, vừa khai hoang mở rộng diện tích. Đến nay, mảnh đất ban đầu ấy đã là trang trại nuôi trồng tổng hợp có quy mô lên đến 8 ha gồm đàn bò 200 con, đàn dê 100 con, 4 sào ao nuôi thả cá, 2 ha cà phê, 2 ha tiêu, còn lại là trồng cỏ, cây ăn trái… qua đó, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông cũng có thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, vợ chồng ông còn nuôi dạy cả 6 người con học hành đầy đủ, trong đó 4 con của ông đã ổn định gia đình. Với ông, đó là thành quả đáng nói nhất trong cuộc đời mình.
Theo Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin Nguyễn Mạnh Hùng, cái hay của ông Hinh là không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn giúp đỡ nhiều gia đình tại địa phương có việc làm và thu nhập ổn định. Còn ông Hinh thì chia sẻ, 10 lao động thường xuyên cho trang trại của ông là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy để họ có thể làm được, ông phải là người làm trước, cầm tay chỉ việc cho họ làm theo. Lâu dần thạo việc, nên thu nhập của họ cũng luôn ổn định mức lương 3 – 4 triệu đồng/tháng. Chưa kể đến ngày mùa chính vụ, trang trại ông còn tạo việc làm cho từ 20 – 30 lao động thời vụ, giúp họ có thêm khoản thu nhập để trang trải cho cuộc sống.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc