Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ đẩy mạnh truyền thông về phòng chống sốt xuất huyết

08:43, 11/07/2017
Tính từ đầu năm đến ngày 5-7, thị xã Buôn Hồ ghi nhận 37 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc tăng hơn không nhiều (3 ca), song công tác phòng chống SXH vẫn được đẩy mạnh.

Để ngăn ngừa sự bùng phát, lây lan của dịch SXH nhất là ở thời điểm mưa nhiều kèm theo nắng nóng – điều kiện thuận lợi để muỗi vằn gây bệnh SXH phát triển, Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống SXH: chỉ đạo các trạm y tế xã, phường thực hiện các hoạt động diệt bọ gậy, loăng quăng, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi chủ động; điều tra, giám sát véc tơ truyền bệnh tại các địa bàn trọng điểm, tăng cường giám sát các ổ dịch cũ, xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ tuyến xã và đội ngũ cộng tác viên...

Một trong các biện pháp được Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ chú trọng là đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống SXH. Bác sĩ Trần Đình Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch – tổng hợp, Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ cho biết: Ngoài các hình thức tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, cán bộ y tế của Trung tâm và các xã, phường còn phối hợp với các đoàn thể địa phương đến từng hộ gia đình để cấp phát tài liệu truyền thông và hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh SXH.

Cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về các biện pháp phòng chống SXH.
Cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về các biện pháp phòng chống SXH.

Không những thế, tại mỗi xã, phường còn có các kênh truyền thông riêng dựa trên đặc thù của địa phương. Đơn cử như ở phường Bình Tân, một phường có đến 98% dân số theo đạo công giáo. Bác sĩ Trần Thanh Tâm, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Bình Tân chia sẻ: Cùng với các biện pháp truyền thông chung, Trạm Y tế phường còn phối hợp với nhà thờ lồng ghép trong nội dung của các buổi lễ để tuyên truyền, hướng dẫn giáo dân các biện pháp phòng chống  bệnh SXH như: dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, đậy kín các lu, khạp chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng; thả cá ăn loăng quăng trong dụng cụ chứa nước; cho trẻ mặc áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày, dùng nhang hoặc bình xịt tiêu diệt muỗi… Nhờ vậy, tỷ lệ mắc SXH trên địa bàn giảm hẳn. Nếu như năm 2016, phường có khoảng 40 trường hợp mắc bệnh SXH, thì từ đầu năm đến nay mới chỉ ghi nhận 2 ca bệnh.

Có thể thấy, bằng những cách tuyên truyền cụ thể, phù hợp, công tác phòng chống SXH trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã đạt được những kết quả nhất định, ý thức phòng bệnh của người dân đã được nâng cao và chuyển biến thành hành động cụ thể. Các gia đình đã biết và chủ động dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, loại bỏ những đồ phế thải có nước ứ đọng, thường xuyên thay rửa dụng cụ chứa nước, bình hoa để ngăn ngừa muỗi, phòng bệnh SXH.

Theo bác sĩ Trần Đình Khánh, hiện đang là mùa mưa, cộng với sự lưu hành thường xuyên của véctơ truyền bệnh, dự báo bệnh SXH sẽ tiếp tục gia tăng và lan rộng trong thời gian tới. Do đó, Trung tâm sẽ chú trọng hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh SXH, trong đó việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những hoạt động cần được ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, để phòng chống bệnh hiệu quả, điều quan trọng nhất hiện nay là người dân phải phối hợp tốt với ngành Y tế trong việc vệ sinh môi trường, diệt trừ loăng quăng, bọ gậy. Đặc biệt, mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác với bệnh, khi phát hiện có các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, phát ban hoặc có các biểu hiện xuất huyết dưới da... cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh biến chứng nặng cũng như lây lan trong cộng đồng.

Khánh Duy
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.