Multimedia Đọc Báo in

Vợ chồng lính đảo Trường Sa

08:57, 09/07/2017

Vì nhớ thương chồng, chị đã vượt sóng ra Trường Sa với tư cách là thân nhân lính đảo. Gặp chồng nơi tuyến đầu sóng gió, tình yêu lứa đôi hòa quyện tình yêu Tổ quốc, để rồi khi chị trở về đất liền trong niềm vui của người sắp làm mẹ trẻ.

Câu chuyện “Chức Nữ” gặp “Ngưu Lang” ở chân trời Tổ quốc làm các thành viên trong đoàn thân nhân thăm cán bộ chiến sĩ Trường Sa xúc động. Họ là Mỹ Lương đến từ Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) và Thiếu úy Võ Ngọc Vỹ ở đảo Đá Đông.

Chuyện tình

Mỹ Lương và Ngọc Vỹ quen nhau trong một lần Vỹ về phép. Phong cách chững chạc của người lính biển đã làm trái tim cô sinh viên “loạn nhịp”. Tình yêu chớm nở cũng là lúc Vỹ nhận quyết định ra công tác Trường Sa. “Để anh yên tâm đi đảo chúng em quyết định làm đám cưới trong sự ủng hộ của gia đình và bạn bè”, Lương kể. 11 ngày hạnh phúc bên nhau tràn đầy kỷ niệm, Vỹ chia tay người vợ trẻ vào đơn vị huấn luyện chuẩn bị đi đảo. “Hôm anh Vỹ ra đảo, em thương nhớ khóc mãi. Suốt chặng đường anh đi, em cứ lo lắng, phút chốc lại tự hỏi không biết giờ này anh ấy đang làm gì, có khỏe không? Cho đến khi biết anh đã tới Đá Đông an toàn em mới yên tâm”.

             Vợ chồng  anh Vỹ -  chị Lương  gặp nhau ở đảo Đá Đông.  Ảnh: T. Hương
Vợ chồng anh Vỹ - chị Lương gặp nhau ở đảo Đá Đông. Ảnh: T. Hương

 Những ngày tiếp theo là chuỗi ngày nhớ thương chồng khắc khoải, nhưng Lương luôn tự hứa với chồng “anh yên tâm giữ đảo, em thi đua học hành”. Tình yêu và nỗi nhớ của họ được khỏa lấp bởi những cánh thư đi về. Cứ 10 ngày Lương lại viết cho chồng một lá thư đầy ắp yêu thương. Vỹ cũng vậy, sau mỗi chuyến tàu từ Trường Sa trở về đất liền, Lương lại nhận được rất nhiều thư của Vỹ. Những lá thư yêu thương vô bờ bến từ đảo Đá Đông gửi về được Lương đóng thành nhật ký làm kỷ niệm. Giữa hải đảo xa xôi, mỗi lần có tàu đi biển, Vỹ lại thổn thức nhiều đêm không ngủ. Phần vì nhớ vợ ở quê nhà vất vả lo toan, phần vì mong chờ những lá thư chở nặng tình yêu của vợ từ đất liền. Lính đảo có “phong trào” đọc thư chung, tức là sau khi  được “chủ nhân”  nghiền ngẫm, thư tình yêu sẽ được đọc cho tất cả mọi người ở đảo nghe để sẻ chia tình cảm. Những anh lính tò te mới chớm yêu thường mượn thư tình của đàn anh đi trước để học cách viết tỏ tình. Vỹ là một trong những “chủ nhân” thường xuyên đọc thư của vợ cho anh em trên đảo cùng nghe và chia sẻ.

 Nói về chuyến đi thăm chồng đặc biệt, Lương tâm sự: “Nhận tin được ra Trường Sa thăm chồng em mừng lắm, nhưng khó khăn là em đang chuẩn bị thi hết môn học. Em đã làm đơn xin hoãn lại việc thăm chồng, nhưng rồi các thầy cô trong trường động viên “Xin hoãn thi, nhà trường sẽ ưu tiên giải quyết”. Đúng là tình yêu có sức mạnh diệu kỳ, vậy là em yên tâm lên đường”.

 Hạnh phúc nhân đôi

Giữa đảo Đá Đông phía chân trời Tổ quốc, chúng tôi xúc động khi chứng kiến đôi “Ngưu Lang - Chức Nữ” Võ Ngọc Vỹ và Trần Thị Mỹ Lương ôm chầm lấy nhau trong hạnh phúc dâng tràn. Họ hôn nhau trước chứng kiến của nhiều người. Nụ hôn mặn mòi vị mặn của biển khơi phần nào xóa nhòa khoảng cách và niềm thương nhớ. “Anh yêu em” - Vỹ thốt lên lời. Lương ôm cổ Vỹ vừa nói vừa khóc: “Em cũng thế, và em yêu cả Trường Sa của anh”. Nhiều đại biểu nữ đi trong đoàn đã khóc theo họ. Khóc vì niềm hạnh phúc của đồng đội, khóc vì sự diệu kỳ của tình yêu giữa bạt ngàn sóng gió.

Cán bộ chiến sĩ đảo Sinh Tồn tạm biệt đoàn thân nhân chiến sĩ Trường Sa.
Cán bộ chiến sĩ đảo Sinh Tồn tạm biệt đoàn thân nhân chiến sĩ Trường Sa.

3 ngày ngắn ngủi trôi qua, đến lúc đoàn công tác quay trở lại đảo đón thân nhân về tàu. Mọi người xuống hết xuồng mà Mỹ Lương vẫn còn bịn rịn chia tay chồng, nước mắt chảy vòng quanh. Vỹ ân cần đưa Lương xuống xuồng rồi anh nhỏ nhẹ động viên: “Em đi mạnh khoẻ, cố gắng học hành cho tốt, vượt mọi khó khăn”. Trên đường hành trình trở về đất liền, Lương kể nhiều về cuộc sống ở đảo, về tình đồng đội nơi đây. Rồi Lương thổ lộ: “Khi chưa ra Trường Sa, nỗi nhớ thương làm em lúc nào cũng chỉ mong anh ấy nhanh về phép nhưng đến đây em mới hiểu còn nhiều đồng đội có hoàn cảnh khó khăn hơn bọn em. So với nhiều đồng đội của chồng, em thấy mình là người hạnh phúc vì đã được ra tận Trường Sa thăm chồng”.

 Chuyến tàu đặc biệt chở thân nhân ra thăm chiến sĩ Trường Sa đã lùi vào dĩ vãng, song câu chuyện tình của Vỹ - Lương đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Giờ đây, Vỹ công tác ở đảo Tiên Nữ, nơi quê nhà Lương vẫn là người vợ thủy chung, dâu thảo. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi trong căn nhà nhỏ được đong đầy khi bé Võ Trần Linh Đan chào đời. Vỹ khoe với tôi qua điện thoại: “Ngày nào em cũng liên lạc về nhà để được “trò truyện” cùng cô con gái nhỏ để được nghe tiếng con khóc, tiếng mẹ Mỹ Lương ầu ơ ru con gái cưng ngủ. Càng thương vợ con, em càng yêu biển đảo Trường Sa”… 

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.