Multimedia Đọc Báo in

"Ánh sáng" nghĩa tình

13:28, 29/08/2017

Thời gian qua, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã nỗ lực vận động các đơn vị, nhà hảo tâm cùng chung tay thực hiện chương trình khám, phẫu thuật miễn phí các bệnh về mắt cho bệnh nhân nghèo. Qua đó đã mở ra cơ hội, giúp hàng nghìn người mù nghèo tìm lại ánh sáng.

Cách đây 4 năm, đôi mắt của anh Y Dio Mlô ở buôn Kna A, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar bắt đầu mờ, dần dần không còn nhìn thấy gì. Đang là lao động chính trong gia đình nay mọi sinh hoạt của anh đều cần người giúp đỡ. Biết mình bị bệnh đục thủy tinh thể phải phẫu thuật tốn chi phí cả chục triệu đồng, trong khi gia đình thuộc diện hộ nghèo lại không có thẻ BHYT nên anh đành chịu cảnh mù lòa. Sau khi được khám, phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar, anh Y Dio vui mừng vì mắt đã nhìn thấy, giúp anh lại có thể đi làm lo cho gia đình.

Còn cụ bà Nguyễn Thị Mai, 67 tuổi, ở thôn 2, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar cho hay, mắt phải của bà bị đục thủy tinh thể không nhìn thấy gì, còn mắt trái cũng yếu nên mọi sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Biết vậy nhưng bà cứ lần lữa, chần chừ chưa đi chữa vì gia đình không có điều kiện. Sau khi được phẫu thuật miễn phí mắt bà đã nhìn rõ. Hay như bà Hồ Thị Hồng, 68 tuổi, ở thôn 2, xã Cư M’gar chia sẻ: “Tuổi cao sức yếu, hai bàn tay đã chậm chạp, đến con mắt cũng không nhìn thấy thì buồn tủi lắm. Rất may có chương trình này mà nhiều người mù nghèo như tôi có cơ hội tìm lại ánh sáng”.

Bác sĩ Bệnh viện Cấp cứu Trương Vương khám mắt cho bệnh nhân huyện Cư M'gar  trước khi phẫu thuật.
Bác sĩ Bệnh viện Cấp cứu Trương Vương khám mắt cho bệnh nhân huyện Cư M'gar trước khi phẫu thuật.

Các bệnh nhân đa phần là người lớn tuổi bị mất thị lực nhiều năm vì đục thủy tinh thể. Tuy đây là bệnh đơn giản, phổ biến, chi phí phẫu thuật khoảng 10 triệu đồng/ca, nhưng đối với người nghèo thì là số tiền không nhỏ. Trong khi đó, điều kiện tiếp cận y tế ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn nên nhiều người đã không được điều trị sớm. Chính vì vậy, những năm qua, bên cạnh các hoạt động xã hội, thiện nguyện khác, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã tích cực vận động, phối hợp thực hiện chương trình khám, phẫu thuật miễn phí các bệnh về mắt cho người nghèo.

Để có nguồn lực thực hiện chương trình, Tỉnh Hội đã trực tiếp vận động Chi hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Chùa Cẩm Phong (tỉnh Tây Ninh) tài trợ chi phí; đồng thời được sự hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Cấp cứu Trương Vương (TP. Hồ Chí Minh), Sở Y tế Đắk Lắk và Bệnh viện Đa khoa các huyện. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về chương trình đến tận cơ sở để người mù nghèo đăng ký tham gia. Bà Lê Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết, sở dĩ chương trình được thực hiện đều đặn từ năm 2013 đến nay là nhờ Tỉnh Hội luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với các nhà tài trợ. Mỗi lần thực hiện chương trình, Tỉnh Hội sẽ là “cầu nối”, thực hiện công tác tổ chức, chuẩn bị các điều kiện cần thiết và mời nhà tài trợ trực tiếp thăm hỏi, tặng quà, tìm hiểu, chia sẻ với người bệnh nên càng thêm tin tưởng hoạt động của Hội.

Qua 5 năm thực hiện chương trình tại các huyện: Cư M’gar, Krông Pắc, M’Đrắk, Lắk đã có gần 1.000 bệnh nhân nghèo được phẫu thuật mắt miễn phí với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Không chỉ được mổ mắt miễn phí, các bệnh nhân còn được hỗ trợ chi phí đi lại, ăn, ở và được tặng 1 suất quà trị giá 200.000 đồng.

Có thể nói, chương trình này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi đã giúp người mù nghèo tìm lại ánh sáng, làm thay đổi cuộc sống và tạo cơ hội để họ được tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Đối với những người không còn trong độ tuổi lao động, việc tìm lại ánh sáng của đôi mắt cũng chính là tìm lại niềm vui sống, giúp gia đình, người thân của họ giảm bớt gánh nặng.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.