Cẩn trọng với bệnh liên cầu lợn
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp mắc liên cầu lợn, tăng 100% so với năm 2016. Đặc biệt, cả 2 trường hợp mắc bệnh đều do ăn tiết canh lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được chế biến kỹ.
Ngày 1-8, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Y Prỗ Niê (SN 1961, ở xã Yang Mao, huyện Krông Bông) vào viện trong tình trạng sốt cao 40oC, rối loạn chức năng nghe, lở loét, nhiễm độc nhiễm trùng nặng nề. Với biểu hiện bệnh cộng với thông tin của người nhà bệnh nhân cung cấp là 3 ngày trước đó bệnh nhân và người nhà có mua huyết heo luộc sẵn ở chợ về ăn, các bác sĩ đã tiến hành chọc dò dịch não tủy và cho kết quả dương tính với liên cầu lợn. Sau 14 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt. Dự kiến trong vài ngày tới, nếu kết quả kiểm tra dịch não tủy lần tiếp theo ổn định bệnh nhân sẽ được xuất viện.
Trong khi bệnh nhân Y Prỗ Niê vẫn đang được điều trị tích cực, ngày 7-8, khoa Truyền nhiễm tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân Nông Văn Nặng (SN 1950, ở thôn 11, xã Đắk Đrông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) bị rối loạn tri giác và hội chứng màng não. Sau khi kết quả chọc dịch não tủy và cấy máu cho thấy dương tính với liên cầu lợn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não mủ, nhiễm trùng máu, viêm phổi do liên cầu lợn. Sau 8 ngày điều trị tích cực, tình hình sức khỏe của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, tuy nhiên liệu trình điều trị vẫn còn kéo dài khoảng 3 tuần nữa. Theo lời kể của bà Nông Thị Nơi, vợ của bệnh nhân, trước đó gia đình có mua thịt heo ở chợ về kho để ăn cơm. Cả nhà cùng ăn, nhưng chỉ có mình ông Nặng phát bệnh. Khoảng 5 ngày trước khi nhập viện, ông Nặng bị sốt kèm theo các triệu chứng rét run, lên cơn co giật, rối loạn tri giác. Sau mấy ngày không thấy ông hết sốt và bệnh có dấu hiệu nặng hơn, gia đình mới đưa ông vào viện.
Bệnh nhân Y Prỗ đang được điều trị tích cực tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Hai bệnh nhân nói trên được xem là may mắn khi những di chứng của bệnh liên cầu lợn để lại không quá nặng nề, bởi thực tế, cả nước đã xảy ra 4 trường hợp tử vong do căn bệnh này. Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Bệnh liên cầu lợn là bệnh do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra và có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm. Bệnh rất dễ lây lan từ lợn sang người chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với lợn mang bệnh. Biểu hiện của người mắc liên cầu lợn thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa (sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run…) trước khi có biểu hiện của viêm màng não. Khi mắc bệnh, khoảng 60% bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, sốt nhiễm trùng, dễ dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm.
Trước tình hình bệnh liên cầu lợn đang có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn tỉnh, để chủ động phòng bệnh, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo, bệnh liên cầu lợn hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt khi đã nấu chín kỹ. Vì vậy, người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín. Đối với những người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ thịt lợn cần đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc thịt lợn bệnh với những vùng có vết thương hở. Nếu có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột sau khi giết mổ lợn hoặc ăn sản phẩm từ lợn, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc