Multimedia Đọc Báo in

Ngăn chặn hàng giả: Khi doanh nghiệp chủ động vào cuộc

17:28, 05/08/2017

Một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp (DN) là nạn nhân có sản phẩm bị làm giả, nhưng ngại công bố vì sợ người tiêu dùng  sẽ “quay lưng” với sản phẩm của họ nên họ đành chấp nhận “sống chung” với vấn nạn này.

Đến nay, tình hình đã có nhiều thay đổi, bước đầu, một số DN đã chủ động “bắt tay” với lực lượng chức năng để đấu tranh, ngăn chặn kẻ gian làm giả sản phẩm của mình.

Theo ông Nguyễn Đào Chí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, các ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý 38 vụ về hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), tăng 35 vụ so với 6 tháng đầu năm 2016, số tiền thu được qua xử lý gần 430 triệu đồng. Trong số này, có nhiều vụ vi phạm đã được phát hiện, xử lý nhờ sự phối hợp và  nguồn tin từ các DN có sản phẩm bị làm giả. Có thể kể đến như các vụ bắt giữ các lô hàng giả, vi phạm SHTT đối với các sản phẩm Nón Sơn, rượu Vodka men, phụ tùng Honda, máy tính Casio… đều là do các Công ty TNHH thời trang Nón Sơn, Công ty Cổ phần rượu bia nước giải khát Aroma, Hon da Việt Nam, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bình Tây đã thông báo cho Chi cục để kịp thời kiểm tra kho chứa hàng và bắt giữ với số lượng lớn. Từ thông tin của DN, hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả được cải thiện đáng kể. Ông Phan Văn Liêm, phụ trách nhãn hiệu hàng hóa Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bình Tây cho hay, từ năm 2013 đến nay công ty đã nhiều lần chủ động phối hợp với lực lượng QLTT địa phương kiểm tra và phát hiện nhiều sản phẩm đồng hồ, máy tính của đơn vị bị làm giả.

Doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả cung cấp thông tin cho cán bộ Quản lý thị trường.
Doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả cung cấp thông tin cho cán bộ Quản lý thị trường.

Tuy nhiên, mặc dù đã nỗ lực nhưng việc ngăn chặn vẫn không xuể bởi, ngay cả tem chống hàng giả được xem là yếu tố quan trọng giúp người dùng phân biệt hàng thật - giả, nhưng hiện nay, với công nghệ và kỹ thuật hiện đại, bất cứ sản phẩm nào bán chạy trên thị trường là ngay lập tức được kẻ gian làm giả với công nghệ rất tinh vi và khó phân biệt bằng cảm quan. Do đó, thời gian gần đây, đơn vị phải luôn duy trì việc phối hợp để cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về thủ đoạn làm hàng giả cũng như mẫu hàng thật đối chứng với Chi cục, có như vậy mới nâng cao được hiệu quả của công tác kiểm tra, xử lý. Nhất là năm 2015, công ty đổi tem mới cho sản phẩm của mình với hình thức tem có màu bạc, sản xuất theo công nghệ của Đức mà kẻ gian chưa tiếp cận được, khi chiếu đèn laser lên tem thật sẽ hiện chữ OK.

Trên thực tế tại tỉnh ta, các sản phẩm như rượu, mũ bảo hiểm, đồng hồ, máy tính Casio, quần áo, mỹ phẩm, giày dép, nước hoa giả nhãn hiệu Chanel, CK, Gucci, Tommy, Nike, Adidas… bị làm giả và vi phạm quyền SHTT rất nhiều nhưng lại rất khó phân biệt. Cũng theo ông Nguyễn Đào Chí, đáng nói hơn, nếu như trước đây kẻ gian chỉ làm giả một phần của sản phẩm thì nay, tình trạng giả hoàn toàn về logo, nhãn mác, bao bì của hàng chính hãng lại khá phổ biến và tinh vi. Ngay cả đối với lực lượng QLTT nếu không có sự phối hợp của DN cung cấp thông tin, mẫu hàng thật để đối chứng thì cũng rất khó phát hiện, như vụ việc làm giả các sản phẩm của nhãn hàng L’Oreal là một ví dụ. Thời gian qua, nhờ có sự phối hợp của nhãn hàng L’Oreal nên lực lượng đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn được hàng trăm sản phẩm là mỹ phẩm, nước hoa bị làm giả chuẩn bị bán ra cho người tiêu dùng. Đại diện nhãn hàng L’Oreal cũng cho rằng, đáng lo ngại ở chỗ, hàng giả với các sản phẩm của công ty giống hệt 100% và được bán tại thị trường Đắk Lắk với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/10 hàng thật!

Một vụ kinh doanh mũ bảo hiểm giả được phát hiện, bắt giữ nhờ sự phối hợp của doanh nghiệp liên quan.
Một vụ kinh doanh mũ bảo hiểm giả được phát hiện, bắt giữ nhờ sự phối hợp của doanh nghiệp liên quan.

Tại Hội nghị tập huấn về cách phân biệt hàng thật- hàng giả hồi trung tuần tháng 7 vừa qua do Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) phối hợp với Chi cục QLTT tỉnh tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, đại diện các nhãn hàng Nike, Unilever, L’Oreal, Masan, Levi’s… cho rằng, biện pháp tuyên truyền vẫn luôn được các DN coi trọng bằng cách đưa sản phẩm của mình tham gia và tư vấn trực tiếp cho người tiêu  dùng tại các đợt hội chợ, triển lãm... Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là DN phải chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan QLTT để thông tin về việc hàng hóa của đơn vị bị làm giả, nhằm giúp việc truy quét hàng giả được hiệu quả.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.