Multimedia Đọc Báo in

Nghề mang niềm vui đến với trẻ thơ

16:58, 06/08/2017

Đến nay, vợ chồng anh Phạm Hữu Lộc đã có hơn 12 năm rong ruổi trên khắp phố phường tại TP. Buôn Ma Thuột, về tận các buôn làng trên địa bàn tỉnh mang niềm vui tô tượng thạch cao đến với trẻ thơ.

Trong căn phòng nhỏ của dãy trọ cuối đường Giải Phóng, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột), vợ chồng anh Nguyễn Hữu Lộc đang cẩn thận dỡ từng bức tượng trong khuôn ra. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm tượng thạch cao, từ nhỏ anh Lộc đã được bố dạy cho kỹ thuật làm khuôn tạo hình đổ tượng. Những ngày cuối tuần, anh theo chân bố đi bán tượng dạo khắp các nẻo đường từ thôn quê lên thành phố. Thấy nghề làm tượng vất vả, bố khuyên anh học cơ khí, nhưng dường như nghề “nặn tượng” đã ngấm vào máu, mỗi khi nhìn thấy trẻ nhỏ say sưa trộn màu, tỉ mẩn tô từng đường nét trên tượng, bao nhiêu nhọc nhằn đều tan biến, anh Lộc quyết định nối nghiệp cha làm tượng tô.

 Anh Lộc bán tượng cho  các em học sinh.
Anh Lộc bán tượng cho các em học sinh.

Ban đầu anh Lộc làm khoảng 50 mẫu tượng, đi bán dạo khắp tỉnh Đồng Nai và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Năm 2014, anh Lộc mang nghề làm tượng tô lên Đắk Lắk lập nghiệp. Gần 12 năm trong nghề, anh đã thiết kế hơn 200 mẫu tượng gồm các con vật trong đời sống, truyện cổ tích, nhân vật trong phim hoạt hình… mà trẻ em yêu mến.

Đồ nghề làm tượng thạch cao khá đơn giản, chỉ gồm thạch cao, nước, khuôn đã được người làm tượng tạo hình sẵn. Chỉ mất vài phút, anh Lộc đã biến dung dịch nước màu trắng ấy thành những bức tượng với nhiều hình thù ngộ nghĩnh. Công đoạn khó nhất và mất nhiều thời gian nhất là tạo ra một khuôn hình, có khuôn phải mất 3 - 4 ngày vì phải tỉ mẩn từng chút một. Khi có ý tưởng về mẫu, người thợ phải dùng dao nhọn tỉa các hoa văn sao cho sắc nét chân thật trên tấm silicon tạo hình.

Anh Lộc thường tranh thủ làm tượng vào buổi tối với trung bình khoảng 100 – 150 bức tượng to nhỏ khác nhau, khi có đơn đặt hàng thì anh đổ nhiều tượng hơn. Ban ngày, vợ chồng anh mang tượng đến các điểm trường học bán cho học sinh. Ngoài ra, anh còn cung cấp tượng tô cho khu vui chơi của Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh, các khu vui chơi, nhà sách. Nhờ nghề làm tượng tô, vợ chồng anh đã mua được đất, chuẩn bị làm nhà để mở xưởng phát triển nghề.

Mang tượng tô đến cho trẻ em tại khắp các buôn làng Tây Nguyên là mơ ước của anh Lộc. Anh tâm sự: “Làm tượng, chứng kiến trẻ tô tượng tôi thấy ấm lòng, cảm giác như mình sống lại tuổi thơ. Nghề này vừa là niềm đam mê, thích thú cũng chính là nghề kiếm cơm cho cả gia đình. Tôi sẽ phát triển nghề rộng hơn trên Tây Nguyên để trẻ em khắp các buôn làng cũng được tô tượng”.

Dạ Yến Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.