Multimedia Đọc Báo in

Những khó khăn trong thực hiện mô hình "Ngôi nhà an toàn" ở Ea Bông

09:55, 28/08/2017

Vừa qua, xã Ea Bông (huyện Krông Ana) đã tổ chức “Diễn đàn lắng nghe ý kiến của trẻ em để giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em hè năm 2017”.

Trong đó, mô hình Ngôi nhà an toàn (NNAT) được nhấn mạnh là một trong những giải pháp thiết thực để phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em trên địa bàn xã. Tuy nhiên, việc thực hiện và duy trì mô hình trong thực tế lại gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Kế hoạch số 525/KH-SLĐTBXH, ngày 3 tháng 4 năm 2015 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) về việc xây dựng mô hình NNAT phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em điểm cấp tỉnh năm 2015, Phòng LĐ-TBXH huyện Krông Ana đã cho triển khai thí điểm tại thôn 10/3, xã Ea Bông với 40 hộ. Theo thống kê của Phòng LĐ-TBXH huyện, hiện nay số trẻ em dưới 16 tuổi ở thôn 10/3 là 3.918 em, trong đó dưới 6 tuổi là 493 trẻ. Nhiều nguy cơ tai nạn thương tích có thể xảy ra với trẻ em ở đây, nhất là tai nạn đuối nước bởi địa hình của thôn đồi núi dốc nhiều, dễ trơn trượt; do chủ yếu canh tác nông nghiệp nên hầu như hộ gia đình nào cũng đào ao, hồ để phục vụ nước tưới, thả cá. Tuy mô hình NNAT không khó thực hiện, các tiêu chí hầu hết các gia đình đều làm được nhưng qua khảo sát thực tế một số hộ thí điểm, việc thực hiện khá hời hợt. 

Gia đình chị Nguyễn Thị Mỵ, ở đội 3, có một cháu bé 6 tuổi, là một trong những hộ thí điểm được hỗ trợ cắm biển báo có ao nước tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho trẻ. Tuy nhiên, khi đến thăm nhà, biển báo đã bị nhổ bỏ, xung quanh ao rộng và khá sâu không có hàng rào bảo vệ, chỉ thấy một cây cọc trơ trọi. Những vật dụng trong nhà khá lộn xộn, ổ cắm điện ngổn ngang. Chị Nguyễn Thị Mỵ giãi bày: “Biển báo bị mấy đứa trẻ nghịch ngợm nhổ bỏ. Trước đây, nhà tôi có rào ao bằng lưới kẽm nhưng theo thời gian bị hư hỏng, hoen rỉ, gió to gãy cả. Cháu trong nhà cũng lớn rồi (6 tuổi?!) nên tôi để vậy luôn”. Còn gia đình chị Nguyễn Thị Xuân, ở đội 1, có một trẻ 5 tuổi, là một trong 3 hộ gia đình nhận được giấy khen thực hiện tốt mô hình NNAT.  Nhưng khi chúng tôi đến nhà, giếng nước lại không có nắp đậy trong khi đứa trẻ đang chơi đùa gần đấy. Khi được hỏi, chị Xuân giải thích “có nắp đậy nhưng đang sử dụng nước sinh hoạt nên chưa đóng”. 

Ao nhà bà Nguyễn Thị Mỵ ở đội 3, thôn 10/3 không có rào chắn an toàn.
Ao nhà bà Nguyễn Thị Mỵ ở đội 3, thôn 10/3 không có rào chắn an toàn.

Chị Nguyễn Thị Lý, cán bộ phụ trách công tác trẻ em, Ban Văn hóa xã Ea Bông cho biết: “Khi triển khai mô hình, chúng tôi đã đến từng nhà dân tuyên truyền tầm quan trọng và cần thiết của NNAT đối với trẻ nhỏ. 1 năm đầu, 40 hộ gia đình thực hiện khá tốt và đều nhận được Giấy chứng nhận NNAT cho trẻ (đạt tối thiểu 23 tiêu chí). Có15 hộ đạt đủ 33 tiêu chí, 25 hộ đạt từ 26-32 tiêu chí. Nhưng đến nay, việc thực hiện NNAT không đảm bảo, rất ít hộ đạt đủ các tiêu chí. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế, các gia đình chủ yếu dùng lưới kẽm mỏng để làm rào chắn nên nhanh hư hỏng; công việc nhà nông bận rộn, nên cha mẹ, ông bà không đảm bảo các vật dụng trong nhà được xếp đặt an toàn; tuy nhiên chủ yếu vẫn bắt nguồn từ ý thức chủ quan của người dân. Xã đã hỗ trợ xây dựng 5 biển báo cấm nguy hiểm gần ao, hồ nhưng khi đi khảo sát đều đã bị nhổ bỏ. Vì thế việc thực hiện mô hình NNAT gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo Phòng LĐ-TBXH huyện Krông Ana, hiện nay, huyện có 130 mô hình NNAT, trong đó xã Ea Bông 40 hộ, Dur Kmăl 60 hộ, Bình Hòa 30 hộ. Việc nhân rộng mô hình NNAT đang gặp nhiều khó khăn khi nguồn kinh phí thực hiện không có. Các mô hình thí điểm chủ yếu vẫn duy trì bằng sự nỗ lực của mỗi xã và ý thức của từng hộ gia đình.

NNAT là ngôi nhà đảm bảo không có trẻ em bị tai nạn thương tích tại nhà và đạt 23/33 tiêu chí. Một số tiêu chí bắt buộc: xung quanh ao, hồ phải có hàng rào bảo vệ; giếng nước phải có nắp đậy; đồ dùng nguy hiểm phải để trong kho an toàn; cửa sổ phải có chấn song; khu bếp phải có cửa ngăn và có khóa, không để trẻ tiếp xúc với bếp lửa, bình ga; ổ cắm điện đặt ngoài tầm với của trẻ; cầu thang phải có lan can, tay vịn chắc chắn; tủ thuốc để ở ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi; không cho trẻ chơi các đồ chơi nhỏ, vật nhỏ dễ nuốt…

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.