Multimedia Đọc Báo in

Ông "dân vận"

13:29, 28/08/2017

Tôi biết ông ngót nghét 20 năm. Lúc ấy, ông giữ cương vị Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Năm 2004, tỉnh Đắk Nông thành lập, ông được điều động về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách công tác cơ sở. Và hôm nay, tôi gặp lại ông - một trong 9 đại biểu tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk vinh dự tham dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Vẫn nhiệt tình với công việc, vẫn nụ cười đôn hậu thường trực trên khuôn mặt cương nghị - nụ cười ấy, nếu ai đã một lần gặp ông khó có thể quên được. Ông là Y Per Niê, ở phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, nhiều người vẫn gọi với tên thân thương là ông “dân vận”.

Ông sinh năm 1945 ở buôn Siêk, xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo), tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi. “Tôi giữ chức vụ Phó Bí thư  Huyện ủy H4 và trực tiếp làm Đội trưởng Đội công tác vũ trang vừa đánh địch vừa vận động nhân dân tham gia cách mạng, đồng thời làm công tác binh địch vận. Tôi đã xây dựng được hàng chục cơ sở cách mạng trong các thôn, buôn, ấp chiến lược và khu đồn của địch. Đặc biệt vận động chủ đồn điền Rosi người Pháp ủng hộ cách mạng từ năm 1967 đến năm 1974 hàng trăm tấn gạo, hàng chục tấn muối. Trong một lần vào đồn điền Rosi lấy gạo, muối, trên đường trở về, đội tôi bị địch tấn công bị thương”, ông Y Per nhớ lại. Một trong những kỷ niệm đến bây giờ ông Y Per không thể nào quên là đã thuyết phục được một trung đội nghĩa quân của địch và lôi kéo được 1 sĩ quan cảnh sát cấp quận hướng về cách mạng, từ đó phá được sự kìm kẹp của địch, nhân dân tự do đi lại làm ăn và tiếp tế lương thực cho cách mạng. Qua các đồng chí lão thành cách mạng, chúng tôi được biết, ông còn tham gia cùng bộ đội đánh địch hàng chục trận, thu hàng trăm vũ khí các loại.

Ông Y Per Niê (thứ 3 từ trái sang) đang trò chuyện cùng cán bộ và người dân thị xã Buôn Hồ.
Ông Y Per Niê (thứ 3 từ trái sang) đang trò chuyện cùng cán bộ và người dân thị xã Buôn Hồ.

 

Ghi nhận sự đóng góp của người cán bộ dân vận mẫn cán, hết lòng vì công việc, ông Y Per vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương; Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh tặng Bằng khen. Mới đây nhất, ông được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, ông Y Per được tổ chức phân công làm Trưởng Ban Dân vận huyện Krông Búk cũ (bây giờ là thị xã Buôn Hồ). Nhiệm vụ của công tác dân vận giai đoạn này, một mặt vận động bà con từ khu dồn trở về lại quê cũ để làm ăn, sinh sống; mặt khác tuyên truyền, giải thích để bà con không tin, không nghe theo lời xúi giục của tổ chức phản động Fulrô. Từ năm 1978 đến năm 1989, với cương vị Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Krông Búk, ông Y Per trực tiếp chỉ đạo các phòng, ban và nhân dân thực hiện định canh, định cư ổn định cuộc sống. Năm 1990, ông được điều về làm Phó trưởng Ban Tổ chức, rồi Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk. Ở cương vị này ông tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác tổ chức cán bộ cơ sở và công tác dân vận trong thời kỳ đổi mới, trực tiếp xuống cơ sở vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ định canh định cư, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Năm 2004, tỉnh Đắk Nông thành lập, ông được điều động về làm quyền Chủ tịch HĐND tỉnh, sau đó chuyển sang làm Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách cơ sở. Ông Y Per chia sẻ: “Trong quá trình công tác, giữ các chức vụ trong Đảng và chính quyền tôi đều phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, nhất là việc định canh định cư. Nhờ chính sách này, hàng nghìn hộ dân tộc thiểu số tại chỗ đã ổn định đời sống, có nhiều hộ khá giàu, có hộ thu từ 5 đến 7 tấn tiêu/năm, xây được nhà khang trang, nuôi dạy con cháu ăn học, một số hộ đã sắm ôtô”.

Hiện nay, dù đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy” ông Y Per vẫn thường xuyên xuống buôn làng, gần gũi, tìm hiểu đời sống, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. “Máu dân vận đã ngấm sâu vào cơ thể tôi, nếu không đi, không gặp gỡ, không chuyện trò với bà con, tôi như thấy thiếu điều gì đó”, ông Y Per bộc bạch.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.