Multimedia Đọc Báo in

Chuyện H'Thuận ở buôn Um

08:14, 28/09/2017

Lần về buôn Um (xã Cư Prông, huyện  Ea Kar) mới đây, bất ngờ được dự lễ cúng sức khỏe theo đúng truyền thống cho trưởng buôn. Người được ưu ái nhận lễ là vợ chồng Amí Síp, tức H’Thuận Niê, Trưởng buôn Um, Phó Bí thư Chi bộ.

Cứ nhìn những tấm giấy khen, bằng khen treo dọc suốt hai bên dầm mái nhà sàn dài đã thấy có nhiều điều muốn hỏi về H’Thuận. Sinh năm 1965, hết làm công tác phụ nữ buôn đến giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã tới 2 khóa liền, đến 2015 H’Thuận mới nghỉ để về làm Phó Bí thư Chi bộ kiêm buôn trưởng. Làm chủ tịch Hội Phụ nữ, chị liên tục được khen thưởng vì khéo vận động chị em, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số ở các buôn trong xã. Phụ nữ buôn Um và các buôn xung quanh đều thực hiện tốt phong trào 5 không (không sinh con thứ 3, trẻ em không suy dinh dưỡng, học sinh không bỏ học, không bạo lực gia đình và không tội phạm) và 3 sạch (sạch ngõ, sạch nhà, sạch bếp). Lâu nay chị em người dân tộc thiểu số có ai quan tâm đến những điều này đâu, cứ sinh ra sao là sống hồn nhiên vậy thôi; thế mà sau khi nghe phân tích, chị em nào cũng hồ hởi chấp hành, thi đua nhau mà thực hiện.

Vợ chồng H’Thuận Niê.
Vợ chồng H’Thuận Niê.

Hai vợ chồng H’Thuận dù bận việc tập thể, vẫn rất chăm chỉ rẫy nương. Suốt 5 năm liền gia đình chị được bà con trong buôn bình chọn là “Gia đình văn hóa”. Bận rộn việc xã hội, nhưng 6 sào lúa, 2 ha sắn, 1 ha hoa màu các loại của gia đình chị năm nào cũng tốt bời bời, vụ vừa qua thu tới 5 tấn lúa. H’Thuận bảo: “Gia đình cán bộ không gương mẫu, không no đủ, không hạnh phúc, sao nói được chị em”. Bằng tấm lòng, bằng sự hiểu biết, H’Thuận rủ rỉ tâm sự, chỉ ra những gì của phong tục cũ nên từ bỏ, những gì của cuộc sống mới cần tiếp thu. Nghe chị, phong trào gì của địa phương, phụ nữ cũng tham gia tích cực. H’Thuận còn vận động thí điểm mô hình nhóm phụ nữ giúp nhau 10/1. Nghĩa là 10 chị phụ nữ ở thôn 7 làm ăn giỏi, khá giả trong xã, nhận đỡ đầu, giúp đỡ một chị người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, neo đơn ở buôn Um. Giúp, không có nghĩa là chỉ hỗ trợ tiền bạc, con giống mà cả phương thức sản xuất lẫn cách chi tiêu, chăm sóc nuôi con khỏe dạy con ngoan, ứng xử  trong gia đình nữa… Chị em Kinh – Êđê gắn bó rất thân thiết như trong một nhà, đau ốm, sinh nở đến nhà nhau thăm hỏi, tới mùa vụ cũng xúm lại giúp nhau canh tác. Mô hình bước đầu thành công, người phụ nữ được giúp đã vượt lên thoát khỏi hộ nghèo. Xã dự kiến nhân rộng mô hình ra toàn địa bàn

Tình hình buôn Um, H’Thuận nói vanh vách không cần giấy tờ: buôn có 41 hộ, 196 khẩu, đều là người Êđê nhóm Drao, trước đây ở M’Đrắk, nhưng do tách hộ, định cư nên chuyển về Ea Kar cách đây hàng chục năm. Bà con đều chăm chỉ làm ăn, tìm tòi giống mới phù hợp nhưng cả buôn chỉ có 90 ha đất canh tác, đất ở đây lại là cát pha nên không trồng được cà phê. Diện tích nhiều nhất là 56 ha trồng sắn, 12 ha lúa 2 vụ, 18 ha bắp đậu, 5 ha mía và chăn nuôi 86 con bò. Heo giống cũ của buôn thì nhà nào cũng có vài con dùng khi có lễ tiết. Mặc dù đã sử dụng các giống cây trồng năng suất cao do huyện, xã chỉ dẫn nhưng kinh tế vẫn chỉ dựa vào nông nghiệp nhỏ lẻ. Có việc gì cần đến tiền như cho con cái đi học, mua phân, mua giống…, bà con chỉ trông vào đàn bò và năng suất sắn nên cả buôn không gia đình nào thiếu ăn nhưng không giàu lên được. Cũng may đường giao thông từ huyện về xã, về buôn bây giờ nhựa hóa thuận lợi, điện cũng đã kéo về tận nơi nên dù xa xôi, bà con giao thương, mua bán nông sản cũng dễ dàng hơn.

Được hỏi về việc bảo tồn văn hóa không gian văn hóa cồng chiêng, giọng H’Thuận có vẻ buồn hẳn. Mặc dù đại bộ phận người dân trong buôn vẫn giữ tín ngưỡng truyền thống, cả buôn vẫn còn 100% nhà sàn gỗ nhưng nhiều năm trước kinh tế không phát triển, thiếu ăn nên việc tổ chức các lễ lạt ít dần, ching ché bán đổi gạo hết… Ngày còn già làng, năm nào buôn cũng đóng góp làm lễ cúng bến nước nho nhỏ, cầu bình an cho buôn làng nhưng từ khi già làng mất, những lễ cúng này vẫn chưa làm lại. H’Thuận cho biết: “May mà có Aê Dịu biết hát k’ứt. Ching cũng chỉ còn nhớ một bài, đánh đi đánh lại. Năm 2010, Sở Văn hóa tặng cho buôn 2 bộ ching mà có mấy dịp được “cất tiếng” đâu. Cổ tích, lời nói vần… cũng chẳng ai còn biết. Váy áo truyền thống mình mặc đây, vì thường đi giao lưu trong xã nên phải mua từ buôn khác, chứ trong buôn chẳng còn ai biết dệt. Cái gì cũng ngày càng mai một dần… Lễ cúng sức khỏe lần này được chi bộ, ban tự quản buôn ủng hộ vì muốn bảo tồn văn hóa truyền thông vì tham gia bảo tồn văn hóa truyền thống cũng là nhiệm vụ phải lãnh đạo của chính quyền, đoàn thể mà. Thế nào rồi cũng phải kiến nghị xin huyện cho buôn Um mở một lớp truyền dạy nghề dệt, dạy đánh ching nữa…”.

Bài ching klei kpă quấn quít bước chân ra về của chúng tôi khi chiều muộn, như tấm lòng người phụ nữ Êđê xởi lởi, gửi gắm những mong ước không chỉ làm sao cho bà con mình giàu lên, mà còn gìn giữ, bảo tồn được văn hóa truyền thống. 

H’Linh Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.