"Đau đầu" với nạn tảo hôn ở Cư Kbang - Ea Súp
Nạn tảo hôn và sinh đông con ở xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) không chỉ gây ra nhiều hệ lụy mà còn khiến công việc của những cộng tác viên dân số nơi đây thêm phần vất vả.
Theo chị Hoàng Thị Châm, cán bộ dân số xã Cư Kbang, nạn tảo hôn và sinh con đông trên địa bàn xã có chiều hướng gia tăng, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn xã có 9 trường hợp tảo hôn ở độ tuổi từ 15-17, tăng 1 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng lo ngại hơn là có những trường hợp tảo hôn ở tuổi 14 như: Nông Thị Nhất (thôn 6), Hầu Thị Sua (thôn 14)… Chị Lý Thị Bay (cộng tác viên dân số thôn 16) chia sẻ: “Không ít cặp vợ chồng tảo hôn bị ngăn cản tổ chức đám cưới thì dọa tự tử, uống thuốc sâu. Có trường hợp đôi bên chẳng cưới xin mà cứ tự về ở với nhau, mang thai rồi tự sinh nở ở nhà”.
Cùng với nạn tảo hôn, tình trạng sinh con đông cũng là vấn đề đáng quan tâm, trong 6 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ trẻ mới sinh là con thứ 3 trở lên chiếm 20,5% trong tổng trẻ em được sinh ra, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều cặp vợ chồng tuổi còn trẻ mà đã có 3- 4 con, có gia đình sinh 6-7 con, khiến gia cảnh trở nên túng thiếu. Đơn cử như chị Nông Thị Lý (SN 1995, ở thôn 16) lấy chồng cách đây 6 năm, đến nay chuẩn bị sinh đứa con thứ 3 mà kinh tế vẫn rất eo hẹp, chỉ phụ thuộc vào việc làm thuê của chồng. Ở cùng xóm, vợ chồng anh Hoàng Văn Thanh (29 tuổi) và chị Sùng Thị Vui (26 tuổi) đã có 4 con, cuộc sống gia đình thiếu thốn đủ bề… Chị Châm cho hay, xã Cư Kbang có 98% dân số là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp nên rất khó vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Chị Lý Thị Bay (bên trái) đến từng nhà tuyên truyền công tác dân số. |
Khó khăn là vậy nhưng lực lượng cộng tác viên dân số trên địa bàn xã Cư Kbang gồm 17 người ở các thôn vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Dù phụ cấp rất ít ỏi, chỉ 250.000 đồng/tháng, nhưng họ phải ôm đồm rất nhiều việc: đến từng nhà tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đến Trạm Y tế xã nhận thuốc, dụng cụ tránh thai về phát cho các đối tượng này; chở phụ nữ trong thôn ra Trạm Y tế đặt vòng, làm thẻ bảo hiểm y tế… “Có khi nửa đêm thai phụ chuyển dạ gia đình cũng gọi cộng tác viên dân số vượt đường sá xa xôi ghập ghềnh đưa đến bệnh viện huyện; có trường hợp không nói sõi tiếng Kinh, gia cảnh quá khó khăn, chúng tôi lại phải lo luôn việc làm thủ tục nhập viện, lo cho mẹ tròn con vuông, rồi lại phải chạy đi mua quần áo cho trẻ sơ sinh. Ấy vậy mà chỉ một thời gian sau, họ lại tiếp tục mang thai, lại nhờ vả chúng tôi lúc vượt cạn…” – chị Lý Thị Kia (cộng tác viên dân số thôn 14) ngậm ngùi.
Để giải quyết thực trạng này, đòi hỏi chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân số, trong đó có sự quan tâm đãi ngộ thiết thực với những cộng tác viên dân số.
Hồng Nguyên
Ý kiến bạn đọc