Huyện Krông Búk nỗ lực gỡ khó trong xây dựng nông thôn mới
Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn ở huyện Krông Búk đang ngày càng khởi sắc, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, để hoàn thành đúng lộ trình thì địa phương còn phải giải quyết nhiều tiêu chí khó.
Những “chướng ngại vật”
Ông Trần Trọng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM huyện Krông Búk cho biết, theo lộ trình đến năm 2020, huyện Krông Búk phải có ít nhất 3 xã đạt chuẩn NTM, nhưng hiện tại địa phương đang phải đối mặt với quá nhiều “chướng ngại vật”. Đó là vì xuất phát điểm kinh tế, xã hội của địa phương thấp, hạ tầng cơ sở còn thiếu và chưa đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo cao; quy mô sản xuất nông nghiệp còn manh mún, không có nhiều mô hình kinh tế nổi bật; các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển...
Lãnh đạo huyện Krông Búk kiểm tra công trình cung ứng nước sinh hoạt tại xã Ea Sin. |
Theo ông Nguyên, từ những khó khăn đó dẫn đến việc vận động, huy động nguồn vốn xã hội hóa trong dân để thực hiện chương trình xây dựng NTM không đơn giản. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện mới huy động trong dân được khoảng gần 850 triệu đồng để làm một số tuyến giao thông nông thôn. Do nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước hằng năm “rót” cho địa phương xây dựng NTM còn hạn chế và chưa kịp thời, trong khi nội lực kinh tế của huyện lại khiêm tốn nên các xã phải xoay xở đủ hướng tìm nguồn lực bố trí vốn đối ứng để triển khai thực hiện một số công trình cơ sở hạ tầng. Hiện nay, huyện Krông Búk vẫn chưa có xã nào hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Trong đó, có những tiêu chí được đánh giá là thách thức lớn đối với địa phương như nhà ở dân cư; thu nhập; cơ sở vật chất văn hóa; kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn; đặc biệt, tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo chưa xã nào đạt. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của huyện vẫn còn cao (chiếm khoảng 25%). Nguyên nhân là do đa số các hộ nghèo đều rơi vào hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ neo đơn, bệnh tật… nên công tác giảm nghèo gặp nhiều trở ngại.
Nỗ lực vượt khó
Để tháo gỡ khó khăn, giúp các xã hoàn thành đúng tiến độ xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Krông Búk đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ phát triển sản xuất; thúc đẩy mở rộng các ngành nghề, dịch vụ nông thôn... Bên cạnh đó, một số xã cũng có những cách làm linh hoạt, huy động tốt các nguồn lực trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Ông Võ Hồng Thọ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Né cho biết, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Cư Né đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia đóng góp, ủng hộ của nhân dân để hoàn thiện hệ thống đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa. Từ đó, nhân dân đã từng bước nhận thức đúng và đầy đủ mục đích, vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM; phát huy hiệu quả tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Riêng từ đầu năm đến nay, xã huy động được 215 triệu đồng để xây dựng cổng chào thôn Ea Siếk và làm mới 230 m đường nội thôn, buôn… Hiện xã Cư Né đã đạt 13/19 tiêu chí NTM, đặc biệt, một số tiêu chí khó như đường giao thông, thủy lợi, môi trường… cũng hoàn thành. Việc huy động sức dân ở đây không chỉ dừng lại ở các khoản đóng góp mà còn là tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, trực tiếp làm, theo dõi, quản lý giám sát đầu tư nên chất lượng của các hạng mục công trình xây dựng đạt cao.
Chị H’Lét Niê ở buôn Kdrô (xã Cư Né) chia sẻ: “Qua việc tuyên truyền của xã, tôi nhận thức được hoàn thiện các tiêu chí về NTM chính là đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Vì vậy, tôi đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để cùng người dân trong thôn xây dựng hạ tầng cơ sở. Từ đầu năm đến nay, buôn mình đã đóng góp được 100 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn và lắp bóng điện chiếu sáng. Người dân trong buôn còn bảo nhau nâng cao ý thức, tự quét dọn đường làng ngõ xóm sạch sẽ, thu gom rác thải sinh hoạt để chôn lấp hợp lý và di dời chuồng heo, bò ra sau vườn, bảo đảm vệ sinh môi trường”.
Theo bà H’Pin Mlô, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Pơng Drang, khi bắt tay vào thực hiện chương trình NTM, Đảng ủy xã đã xây dựng chuyên đề với những mục tiêu cụ thể, trong đó xác định vấn đề then chốt là thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó mới kích cầu hoàn thành các tiêu chí khác dễ hơn. Theo đó, các hội, đoàn thể, cũng như từng cán bộ, đảng viên trong xã đã phát huy tốt vai trò gương mẫu đi đầu, nâng cao trách nhiệm trong vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung thâm canh, xen canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như tiêu, sầu riêng trong rẫy cà phê. Đến nay, toàn xã đã có trên 60% số hộ dân thực hiện việc xen canh cây trồng; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi với thu nhập mỗi năm từ 150 - 300 triệu đồng. Đồng thời nhiều hộ dân còn mở rộng ngành nghề, dịch vụ, chú trọng phát triển đàn gia súc, gia cầm, lập trang trại, gia trại. Nhờ vậy, xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí NTM; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 27 triệu đồng (cao nhất huyện), giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10,2%...
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc