Multimedia Đọc Báo in

Những "hạt nhân" tin cậy của buôn làng

08:50, 01/09/2017

Không chỉ là “cầu nối” ý Đảng – lòng dân, bằng uy tín, trách nhiệm, sự nhiệt tình, năng nổ của mình, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành “hạt nhân” đoàn kết, tập hợp, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương...

Buôn Giêr, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng hiện có 185 hộ, chủ yếu là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Để vận động bà con phát triển kinh tế, với vai trò của phó buôn, người có uy tín, ông Y Cơn Mlô đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Với 1,2 ha đất, gia đình ông trồng cà phê xen tiêu, bơ, sầu riêng nhằm tăng hiệu quả kinh tế, hạn chế rủi ro. Mô hình này đã được nhiều hộ trong vùng học tập. Đến nay, buôn Giêr có 152 ha cà phê trồng xen tiêu, cây ăn trái, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài ra, ông Y Cơn còn tích cực vận động bà con cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Gia đình ông đã tự nguyện chặt bỏ 2 hàng cà phê thời kỳ kinh doanh dọc theo mặt đường dài 96 m để mở rộng con đường nội buôn từ 4 m lên 12 m. Theo gương ông nhiều hộ đã tự nguyện giải phóng mặt bằng không đòi hỏi đền bù, cùng Nhà nước xây dựng 5 km đường giao thông nông thôn.

 Ông Y Sum Niê (bìa phải) - người có uy tín ở buôn Nhang, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk trò chuyện  với người dân trong buôn.
Ông Y Sum Niê (bìa phải) - người có uy tín ở buôn Nhang, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk trò chuyện với người dân trong buôn.

Từ khi thôn 6, xã Ea Khal, huyện Ea H’leo được thành lập năm 1995, ông Nguyễn Khánh Phát (dân tộc Tày) được tín nhiệm bầu làm cán bộ mặt trận thôn. Đến năm 2012, ông được bà con bầu chọn là người có uy tín. Thôn 6 có trên 100 hộ, trong đó có 75% là người dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào sinh sống. Trước đây, người dân còn duy trì nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ốm đau không đến bệnh viện mà chỉ nhờ thầy lang chữa trị, cúng bái ở nhà. Vì vậy, không chỉ lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp dân, ông Phát còn tranh thủ những lúc gặp mặt, trò chuyện, nhẹ nhàng đề cập vấn đề, đưa ra từng trường hợp cụ thể, phân tích việc nên làm, không nên làm. Với cách làm “mưa dầm thấm lâu” đó, bà con dần dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, quan tâm đầu tư cho con em học hành, bỏ dần các hủ tục lạc hậu, tập trung phát triển sản xuất nên đời sống ngày càng cải thiện.

 

“Tỉnh mong muốn người có uy tín tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành pháp luật, nêu cao ý thức cảnh giác, đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…”

 
 
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh

Ông Y Cơn Mlô và ông Nguyễn Khánh Phát chỉ là 2 trong số hàng nghìn tấm gương người có uy tín tiêu biểu của tỉnh. Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 1,8 triệu người với 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ trên 33% dân số. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm, triển khai thực hiện Quyết định 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 6.056 người được UBND tỉnh công nhận là người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, những người có uy tín thuộc nhiều thành phần, dân tộc khác nhau, nhưng bằng trách nhiệm, lòng nhiệt tình, sự am hiểu phong tục tập quán và sự tín nhiệm của cộng đồng dân cư, họ đã trở thành chỗ dựa tinh thần khá vững chắc đối với bà con. Không chỉ là những nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những người có uy tín còn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc tại cộng đồng dân cư, kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền xem xét giải quyết. Họ cũng đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, người có uy tín còn cung cấp cho cơ quan chức năng nhiều nguồn tin liên quan đến tình hình an ninh trật tự tại thôn, buôn; tham gia xây dựng và nhân rộng các mô hình quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh biên giới.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.