Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

09:27, 22/09/2017

Những năm qua, Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP. Buôn Ma Thuột luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân số để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhiều năm nay, những gia đình mới sinh con thứ 2 ở thôn 2, xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) đều được bà Đào Thị Ngụ, cộng tác viên dân số của thôn đến tuyên truyền, vận động thực hiện KHHGĐ. Nhờ vậy, hằng năm trong thôn ít có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Bà Ngụ chia sẻ: Qua tuyên truyền, vận động nhiều cặp vợ chồng trong thôn đã nhận thức đúng đắn về vấn đề KHHGĐ và tự nguyện thực hiện. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, trong thôn đã có thêm 5 trường hợp áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại,  chỉ có 1 trường hợp sinh con thứ ba.

Hiện toàn TP. Buôn Ma Thuột có 591 cộng tác viên dân số phụ trách 248 thôn, buôn. Hằng tháng, đội ngũ này đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tích cực truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chính sách DS-KHHGĐ, đồng thời vận động các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai, sinh đủ số con theo quy định. Theo bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ TP. Buôn Ma Thuột, thời gian qua, Trung tâm luôn chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ với nhiều nội dung và hình thức phong phú như: cấp phát tờ rơi, tranh ảnh, nói chuyện chuyên đề, truyền thông nhóm nhỏ, thực hiện chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến các vùng đông dân, các vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ và cộng tác viên dân số còn trực tiếp đến các gia đình để truyền thông về sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe sơ sinh và trẻ em... Nhờ vậy, người dân tại các xã, phường trên địa bàn đã dần ý thức hơn trong vấn đề này.

Một trường hợp cấy que tránh thai tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột.
Một trường hợp cấy que tránh thai tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột.

Để tăng cường hiệu quả của hoạt động truyền thông, Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố còn thành lập các câu lạc bộ tiền hôn nhân để tuyên truyền về chính sách dân số và phối hợp với Đoàn thanh niên vận động vị thành niên, người trong độ tuổi kết hôn tham gia sinh hoạt. Đến nay toàn thành phố đã có 12 xã, phường thành lập câu lạc bộ này.

Với những giải pháp tích cực, đồng bộ, TP. Buôn Ma Thuột đã đạt được những kết rất đáng ghi nhận quan trong công tác dân số - KHHGĐ, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ. Năm 2016, toàn thành phố có 48.741 người áp dụng các biện pháp tránh thai, chiếm tỷ lệ 86,3%; 643 cặp vợ chồng mới kết hôn đăng ký thực hiện KHHGĐ; 535 cặp vợ chồng đăng ký không sinh con thứ ba. Riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã có 16.579 người mới áp dụng các biện pháp tránh thai, đạt 94,5% chỉ tiêu kế hoạch năm. Số trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên cũng giảm 2% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, theo bà Hợp, công tác DS - KHHGĐ của thành phố hiện vẫn còn những hạn chế, đó là tỷ lệ giảm sinh chưa vững chắc; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao, số trẻ sơ sinh được sàng lọc còn thấp; một số gia đình, nhất là các cặp vợ chồng có trình độ văn hóa thấp, cộng thêm hoàn cảnh kinh tế khó khăn chưa chủ động tiếp cận với các biện pháp tránh thai; nhiều gia đình khá giả lại có nhu cầu sinh thêm con nên vẫn còn tình trạng sinh con thứ ba trở lên… Để khắc phục những hạn chế này, bên cạnh việc cung cấp các dụng cụ tránh thai miễn phí từ ngân sách Nhà nước, Trung tâm DS-KHHGĐ đã tham mưu và được UBND thành phố hỗ trợ kinh phí cho các cặp vợ chồng thuộc hộ nghèo, cận nghèo áp dụng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại như tiêm thuốc tránh thai, cấy que tránh thai. Đồng thời, mỗi cộng tác viên dân số thôn, buôn cũng sẽ được trợ cấp thêm thù lao 100 nghìn đồng/tháng và hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân thể để có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ… 

Kim Huế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.