Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

08:04, 13/10/2017

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2017, huyện M’Đrắk phấn đấu có thêm 4 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo (tiêu chí số 11) trong xây dựng nông thôn mới, gồm các xã Ea Mđoal, Ea H’Mlay, Cư Prao và Krông Jing. Tuy nhiên, các địa phương nói trên đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong thực hiện tiêu chí này.

Theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, ngoài tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người hằng tháng là 700.000 đồng trở xuống ở khu vực nông thôn (tăng lên 400.000 đồng so với trước đây), chuẩn nghèo còn được đo lường ở mức độ thiếu hụt 5 dịch vụ xã hội cơ bản gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 của huyện M’Đrắk là 8.129 hộ, 35.399 khẩu, chiếm 46,3% dân số.

Trong khi đó, theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ, để được công nhận xã đạt tiêu chí số 11 về xây dựng nông thôn mới ở khu vực Tây Nguyên phải bảo đảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 7% trở xuống. Đây đang là áp lực lớn đối với các xã phấn đấu về đích nông thôn mới của huyện M’Đrắk, bởi tại thời điểm rà soát hộ nghèo đa chiều đầu năm 2017, ở các địa phương này, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao, chiếm từ 41,3 - 54,9%. Vấn đề đặt ra là, khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều mới hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo nhiều xã tăng lên rất cao, tạo nên áp lực lớn đối với các xã trong hành trình phấn đấu về đích nông thôn mới.

Sản xuất còn manh mún, lạc hậu nên tỷ lệ hộ nghèo ở Cư San khó giảm.
Sản xuất còn manh mún, lạc hậu nên tỷ lệ hộ nghèo ở Cư San khó giảm.

Đơn cử như tại xã Ea H’Mlay, theo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo chuẩn đa chiều thì toàn xã có 346 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 41%, cao gấp 6 lần so với quy định đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Hồ Tiến Quảng, Chủ tịch UBND xã Ea H’Mlay băn khoăn: “Xã cách trung tâm huyện trên 20 km nên việc tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản rất hạn chế, trong khi thu nhập bình quân chỉ đạt 16 triệu đồng/người/năm. Vì thế, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo đáp ứng chuẩn nông thôn mới rất khó thực hiện”.

Ngay cả các xã trước đây đã đạt tiêu chí hộ nghèo cũng khó duy trì tiêu chí này. Cuối năm 2016, toàn huyện M’Đrắk có 3/12 xã đạt tiêu chí số 11 là xã Ea Riêng, Ea Pil, Ea Lai; tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương này đã tăng lên 34,8 - 38,7%, nghĩa là hiện nay toàn huyện không có địa phương nào đạt được tiêu chí 11. Ngay tại xã điểm Ea Riêng đang phấn đấu cán đích nông thôn mới cũng không giữ được tiêu chí này mặc dù Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã quyết tâm rất cao phấn đấu về đích nông thôn mới theo lộ trình.

Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Bộ tiêu chí mới về xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí đều được nâng lên về các chỉ tiêu đánh giá. Đây là những thách thức không nhỏ đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn. Vì vậy, để có kế hoạch và lộ trình, giải pháp phù hợp trong xây dựng nông thôn mới, huyện M’Đrắk đã thành lập Ban chỉ đạo có sự tham gia của các phòng, ban chức năng làm việc với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể các địa phương rà soát, thống kê lại tỷ lệ hộ nghèo, thực hiện các giải pháp giảm nghèo, tạo điều kiện về giống vốn, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhà ở để người dân vươn lên thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới huyện M’Đrắk, việc điều chỉnh chính sách với chuẩn nghèo đa chiều mới áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 tạo ra rất nhiều thách thức trong công tác giảm nghèo. Để thực hiện tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới, cần chú trọng việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn; tập trung chỉ đạo công tác giảm nhẹ thiên tai, hoàn thành kế hoạch sản xuất mùa vụ; triển khai có hiệu quả dự án xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và các mô hình hỗ trợ sản xuất; xây dựng, cải tạo các công trình hạ tầng thiết yếu góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ nghèo thay đổi tư tưởng không trông chờ, ỷ lại, tự giác nỗ lực vươn lên thoát nghèo, góp phần bảo đảm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc