Những "hạt nhân" của buôn làng
Bằng uy tín, trách nhiệm và sự năng nổ, tâm huyết với công việc, những điển hình “Dân vận khéo” đã phát huy vai trò của mình, đóng góp cho sự phát triển của buôn làng.
Nói đúng thì dân nghe
Đưa chúng tôi đi thăm hội trường thôn do người dân đóng góp 207 triệu đồng xây dựng, ông Hà Xuân Đẹt (dân tộc Thái), Trưởng thôn Thanh Bình, xã Ea Sar (huyện Ea Kar) chia vui: “Sức mạnh trong dân lớn lắm, nếu mình nói phải, khéo thì bà con sẵn sàng hiến đất đai, tường rào, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công. Nhờ vậy, chỉ sau hơn 6 năm xây dựng nông thôn mới, thôn Thanh Bình đã có rất nhiều “công trình tình nguyện”.
Được UBND xã chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới, Trưởng thôn Hà Xuân Đẹt luôn trăn trở làm thế nào để huy động được sức mạnh nội lực trong dân. Phát huy quy chế dân chủ cơ sở, chi bộ, ban tự quản thôn đã tổ chức họp 5 cụm dân cư để người dân bàn bạc, quyết định công trình nào trọng điểm cần làm trước, sau đó thảo luận mức đóng góp, cách thức tiến hành, kiểm tra, giám sát. Theo đó, con đường giao thông nội thôn ở cụm dân cư 4 được chọn làm đầu tiên vì quá nhỏ hẹp, lầy lội. Để tạo sự đồng thuận cao, ông Đẹt cùng Ban tự quản, trưởng các đoàn thể trực tiếp xuống từng hộ dân vận động, thuyết phục. Nhờ vậy, 24 hộ dân trong cụm đã tự nguyện hiến đất, chặt bỏ cây trồng, đóng góp 400.000 đồng/hộ và ngày công lao động, nâng cấp, mở rộng đường từ 2 m lên 8 m. Với cách làm tương tự, ông Đẹt cùng với chi bộ, Ban tự quản, Mặt trận và các đoàn thể thôn đã vận động người dân trong thôn đóng góp tiền, ngày công, hiến 4.600 m2 đất, gần 500 cây cối các loại để làm 7 tuyến đường nội thôn, nội đồng với tổng chiều dài 9 km.
Trưởng buôn Êrang Y Soan Êban trao đổi với bà con trong buôn về chủ trương hiến đất làm đường giao thông nông thôn. |
Không chỉ năng nổ trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Đẹt còn tích cực vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; thành lập tổ an ninh tự quản thường xuyên tuần tra, nắm tình hình, vận động người dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc… Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự trong thôn ngày càng ổn định, đời sống của người dân cải thiện hơn trước, thôn được công nhận Thôn Văn hóa cấp huyện nhiều năm liền.
Làm để dân tin
Buôn Êrang (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) có trên 170 hộ, 80% là người dân tộc thiểu số. Trước đây, số hộ nghèo trong buôn chiếm gần phân nửa, người dân còn duy trì nhiều tập tục lạc hậu, sản xuất chủ yếu là độc canh cây lúa, năng suất chỉ từ 2-3 tạ/sào. Trước thực trạng đó, Trưởng buôn Y Soan Êban cùng ban tự quản kiến nghị xây dựng mương thủy lợi, đồng thời mạnh dạn ứng dụng những kiến thức đã học từ lớp Trung cấp Khuyến nông để giúp bà con phát triển cây lúa nước. Để bà con tin và làm theo, ông Y Soan áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật từ làm đất, chọn giống đến gieo sạ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh trên ruộng lúa nhà mình. Chỉ với 2 sào lúa 2 vụ, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được trên 3 tấn. Thành công đó giúp ông thêm vững tin “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn các hộ cách trồng lúa nước, tăng năng suất lúa lên 8 tạ/sào; khuyến khích bà con trồng xen canh, thâm canh thêm rau xanh, hoa màu, cây ăn trái... Nhờ vậy, đời sống người dân dần được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh việc giúp bà con phát triển kinh tế hộ, ông Y Soan còn tích cực vận động đóng góp làm đường giao thông nông thôn. Trước đây, khi Nhà nước có chủ trương nhựa hóa con đường trục chính của buôn dài 450 m, nhiều hộ hai bên tuyến đường đã đòi tiền đền bù. Với vai trò của trưởng buôn, ông Y Soan đã tổ chức họp dân, tranh thủ tiếng nói của người có uy tín cùng tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu lợi ích của việc làm đường. Đồng thời, ông còn trực tiếp vận động đối với một số trường hợp cá biệt. Nhờ vậy, bà con đã “thông” tư tưởng, tự nguyện hiến đất mở rộng đường từ 6 m lên 8 m. Cũng nhờ “dân vận khéo”, ông Y Soan còn vận động bà con tự nguyện hiến đất, dỡ bỏ hoa màu, tường rào, ngày công để mở rộng, nâng cấp, nhựa hóa, bê tông hóa 3 km đường giao thông nội buôn từ 5 m lên 8 m.
Yến Ngọc
Ý kiến bạn đọc