Khơi nguồn sáng tạo trẻ
Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức thường niên đã góp phần khơi nguồn đam mê sáng tạo của đông đảo học sinh trên toàn tỉnh.
Trong số 42 sản phẩm của các tác giả, nhóm tác giả tham dự cuộc thi lần thứ V (2016 – 2017) có 27 sản phẩm được Hội đồng giám khảo chọn để khen thưởng. Nhiều tác giả, nhóm tác giả đã có những giải pháp hay, liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tính ứng dụng thực tiễn cao.
Từ thực tế vào mùa mưa, áo quần giặt lâu khô, thường dễ bị ẩm mốc, hư hỏng nên em Lê Thị Thùy Trang (học sinh Trường THCS Dur Kmăl, huyện Krông Ana) đã nghĩ cách tạo tủ sấy quần áo. Sau 1 tháng mày mò với kinh phí đầu tư khoảng 1 triệu đồng, sản phẩm của Trang dần hoàn thiện, chỉ cần cắm điện, chỉnh nhiệt độ, lượng áo quần ướt được đưa vào tủ sẽ khô dần trong thời gian từ 1 – 3 tiếng. Hiện nay, chiếc tủ do Trang làm đã được sử dụng như một đồ dùng sinh hoạt thiết yếu cho gia đình mình vào mùa mưa.
Các tác giả chia sẻ thêm về sản phẩm sáng tạo của mình tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng. |
Sản phẩm “Chế biến thuốc trừ sâu” của 2 tác giả Nguyễn Thị Hồng Hà và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Krông Ana) được Ban giám khảo đánh giá cao. Nung nấu ý tưởng chế tạo một loại thuốc trừ sâu thân thiện với môi trường, lại được sự động viên, hỗ trợ đắc lực của cô giáo chủ nhiệm, Hà và Hạnh đã tìm tòi, nghiên cứu và chọn lá xoan để thí nghiệm. Thuốc trừ sâu được chế biến với các công đoạn: ngâm nước lá xoan đã phơi khô, xay lọc lấy nước rồi đem ủ với cồn khoảng 1 tuần. Hạnh cho biết, hầu hết người dân trong vùng phát triển kinh tế bằng cây công nghiệp, hoa màu, nhưng lại dùng thuốc hóa học để trừ sâu bệnh, trong khi nguyên liệu chế biến thuốc trừ sâu có sẵn, chi phí thực hiện thấp. Nghiên cứu cho thấy, loại thuốc được chế biến từ lá xoan đã phát huy tác dụng không thua kém thuốc trừ sâu hóa học. Hiện sản phẩm mới thực nghiệm trên quy mô nhỏ, nhưng em hy vọng tương lai nó sẽ được nhiều người biết và sử dụng…
Bên cạnh những sản phẩm nói trên, nhiều giải pháp, ý tưởng sáng tạo hay của học sinh có thể áp dụng vào giảng dạy, học tập, vui chơi, giải trí như: sản phẩm “Nước rửa chén an toàn làm từ nguyên liệu tự nhiên” của 2 tác giả Nguyễn Văn Trường và Nguyễn Văn Hòa (Trường THCS Lê Văn Tám, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana); sản phẩm “Máy tưới tự động bằng cảm biến độ ẩm đất” của tác giả Đào Đức Hùng (Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, huyện Ea Kar), sản phẩm “Chế phẩm khử mùi và khử độc trong khói thuốc lá” của 2 tác giả Nguyễn Minh Khôi và Phạm Quốc Trung (Trường THPT Buôn Ma Thuột); sản phẩm “Chế tạo thuốc thử nhận biết hàn the trong thực phẩm” của 2 tác giả Triệu Mai Vân và Lê Mỹ Hân (Trường THCS Chu Văn An, huyện Ea Kar)…
Các tác giả được vinh danh tại lễ trao giải cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ V. |
Qua 5 lần tổ chức cuộc thi, từ năm 2013 đến nay cho thấy sản phẩm dự thi năm sau nhiều hơn năm trước, rất đa dạng, phong phú, thể hiện được sự say mê, sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng
Ông Trương Minh Quốc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh
|
Những mô hình, sản phẩm đoạt giải tại cuộc thi tuy chưa nhiều nhưng đã thực sự có sức sống, phản ánh sự phát triển của khoa học kỹ thuật từ thực tiễn; là động lực giúp các nhà khoa học tương lai tự tin trong học tập, tiếp tục có nhiều sáng tạo và ứng dụng sáng tạo vào mọi lĩnh vực của đời sống.
Bên cạnh những mặt đạt được, các sản phẩm dự thi còn bộc lộ một số khuyết điểm chung: thời gian tiến hành khá gấp gáp, chưa có ý tưởng độc đáo, chưa giải quyết được triệt để vấn đề đặt ra; do bận học, thiếu kinh phí nên nhiều em không có điều kiện đưa ra những mô hình, ý tưởng trong thực tế nên tính thuyết phục chưa cao.
Để khắc phục những điều này, ông Trương Minh Quốc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho rằng, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến phong trào thi đua sáng tạo, khơi dậy tiềm năng sáng tạo ở các em cũng như quần chúng nhân dân lao động. Kinh nghiệm cho thấy ở cơ quan, đơn vị, địa phương nào có sự quan tâm thiết thực thì ở đó nhiều mô hình, sản phẩm dự thi thường có chất lượng cao. Ngoài ra, Ban tổ chức cuộc thi cần triển khai tốt hơn nữa công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tạo phong trào thi đua lao động sáng tạo cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; khuyến khích, động viên đồng thời hỗ trợ các tác giả hoàn thiện ý tưởng để ngày càng có nhiều mô hình, sản phẩm chất lượng…
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc