Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực triển khai Dự án Định canh định cư tập trung cho đồng bào Mông ở Vụ Bổn

10:37, 06/11/2017

Năm 2014, UBND tỉnh ký Quyết định 2713/QĐ-UBND ngày 17-11-2014 phê duyệt Dự án Định canh định cư tập trung cho đồng bào Mông di cư ngoài kế hoạch tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc).

Sau 3 năm “dẫm chân tại chỗ”, dự án đang được UBND huyện nỗ lực khởi động trở lại sau khi UBND tỉnh đồng ý bàn giao cho địa phương làm chủ đầu tư xúc tiến các thủ tục, sớm triển khai, ổn định đời sống nhân dân…

Theo Quyết định 2713, Dự án có tổng diện tích 267,79 ha, tại tiểu khu 963 và 964 (cách trung tâm xã Vụ Bổn 6,5 km về phía Nam, thuộc quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Phước An), gồm các hạng mục: điện, đường, trường, công trình cấp nước sinh hoạt, nhà cộng đồng… do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư là 21.719 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần ổn định đời sống của 291 hộ đồng bào Mông, với 1.596 khẩu tại các thôn: 9, 12, Hồ Voi, Sơn Điền và thôn Thanh Thủy. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2014-2020. Tuy nhiên do nguồn kinh phí Trung ương chưa chuyển về nên sau 3 năm được phê duyệt, dự án chưa được triển khai nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích của người dân khi những hộ nơi đây chưa được thụ hưởng các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Trần Quốc Vĩnh (thứ 3 từ phải qua) thị sát, kiểm tra khu vực triển khai dự án.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Trần Quốc Vĩnh (thứ 3 từ phải qua) thị sát, kiểm tra khu vực triển khai dự án.

Trước tình hình đó, ngày 20-7-2017, UBND huyện Krông Pắc đã có Tờ trình số 234 đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh, để huyện làm chủ đầu tư dự án. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Thị Minh Trinh, việc điều chỉnh chủ đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động hơn trong việc triển khai dự án. Trên cơ sở đó, ngày 11-10-2017, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp, tham mưu cho UBND tỉnh bàn giao cho UBND huyện Krông Pắc tiếp tục thực hiện. Ngay sau đó, UBND huyện Krông Pắc đã khẩn trương rà soát, khảo sát hiện trạng, lập phương án thực hiện. Kết quả đến thời điểm này đơn vị tư vấn đã tiến hành đo đạc, khảo sát xong toàn bộ khu vực dự án cũng như đề xuất phương án cấp đất cho nhân dân. Theo đó, các hộ thụ hưởng dự án được cấp bình quân 550 m2/hộ (trong đó 200 m2 đất ở) và 5.000 m2 đất canh tác.

Đường vào vùng Dự án định canh, định cư tập trung cho đồng bào Mông tại xã Vụ Bổn.
Đường vào vùng Dự án định canh, định cư tập trung cho đồng bào Mông tại xã Vụ Bổn.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế của dự án, Ban Dân tộc tỉnh (chủ đầu tư dự án ban đầu) cho biết: Theo tính toán, nếu được đầu tư kết cấu hạ tầng đầy đủ, nhất là các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp thì tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp hằng năm trên khu vực dự án ước đạt trên 9,2 tỷ đồng. Về mặt an sinh xã hội, dự án góp phần chấm dứt tình trạng phá rừng bất hợp pháp, đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện việc cấp đất ở và đất sản xuất cho các hộ dân trong vùng dự án đã phát sinh một số khó khăn vướng mắc, đó là số hộ nằm trong vùng dự án đã tăng từ 291 hộ lên đến 418 hộ (tăng hơn 127 hộ so với ban đầu). Vì vậy buộc UBND huyện phải xem xét, tính toán, xin ý kiến UBND tỉnh về việc điều chỉnh dự án, quy mô khu dân cư và cả số vốn đầu tư. Trước mắt UBND huyện đề nghị UBND tỉnh cho bổ sung thêm đối tượng phát sinh cũng được thụ hưởng dự án, đồng thời để huyện tự quyết, triển khai trước công tác quy hoạch, đo đạc, phân giới, cắm mốc và tiến hành phân lô, bố trí đất ở cho 418 hộ trên.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Quốc Vĩnh, dù số hộ tăng, làm phá vỡ quy hoạch chung của dự án, song tiến độ cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân có thể sớm triển khai nhanh chóng bởi huyện đã giải quyết được bài toán về quỹ đất sau khi UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi 2.682.144,20 m2 tại xã Vụ Bổn của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Phước An cho UBND huyện Krông Pắc quản lý, sử dụng. Hiện UBND huyện đang khẩn trương chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án, điều hòa diện tích đất hợp lý, trước khi tiến hành cấp cho nhân dân. Sau bố trí đất ở, đất sản xuất, giúp người dân yên tâm, ổn định đời sống lao động sản xuất, UBND huyện tiếp tục đầu tư kinh phí, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, các công trình thiết yếu, đảm bảo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn vùng dự án.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.