"Trở về với nông nghiệp": Thêm cơ hội khởi nghiệp cho các bạn trẻ
"Trở về với nông nghiệp” là chủ đề của chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) vừa tổ chức tại huyện Krông Năng và thị xã Buôn Hồ.
Bên cạnh việc định hướng cho học sinh trong việc lựa chọn ngành, nghề, chương trình cũng phân tích, gợi mở nhiều cơ hội để các em có thể góp phần phát triển, nâng cao giá trị ngành nông nghiệp.
Các em học sinh được đơn vị tổ chức chương trình cấp phát tài liệu hướng nghiệp trở về với nông nghiệp. |
Tại các buổi tư vấn diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Ea Toh, huyện Krông Năng) và Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ), học sinh đã đưa ra rất nhiều câu hỏi như: căn cứ chọn trường, chọn nghề; cần làm gì để khởi nghiệp khi không có vốn, đất đai, bằng cấp; có thể làm giàu từ nông nghiệp được không; tại sao nhiều người đã thành đạt trong các lĩnh vực khác giờ lại quay trở về với nông nghiệp; nếu tất cả mọi người đều quay về với nông nghiệp thì sẽ như thế nào?...
Những băn khoăn, thắc mắc của các em đã được ông Hoàng Trọng Nghĩa, Giám đốc tư vấn và đào tạo Công ty Cổ phần Hướng nghiệp và Phát triển giáo dục ICANDO (Hà Nội) phân tích, giải đáp cặn kẽ với nhiều ví dụ, dẫn chứng sinh động. Nhà tư vấn của chương trình cũng đã phân tích về tiềm năng của những ngành nghề liên quan đến nông nghiệp, cơ hội khi lựa chọn phương án học để trở về quê hương phát triển nông nghiệp…
Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Ea Tóh, huyện Krông Năng) nêu thắc mắc tại chương trình |
Ông Nghĩa chia sẻ: “Xu hướng lựa chọn của phần lớn học sinh hiện nay là thoát ly nông nghiệp, bởi đã chứng kiến sự vất vả, khó khăn của bố mẹ. Lựa chọn đó không sai nhưng chưa chắc đã là sự lựa chọn tốt nhất. Với những người con sinh ra từ mảnh đất này, nơi mà nông nghiệp là thế mạnh thì trở lại với nông nghiệp là lựa chọn khôn ngoan và tất yếu. Các em không phải làm nông nghiệp như bố mẹ mình mà cần học tập tri thức, công nghệ để quay trở về làm chủ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Như vậy, các em có rất nhiều cơ hội việc làm liên quan đến nông nghiệp”. Ông Nghĩa cũng giới thiệu một số ngành học liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như: công nghệ thông tin, marketing xây dựng thương hiệu, quản trị kinh doanh, công nghệ chế biến, thu hoạch, bảo quản, máy móc nông nghiệp, quản lý tài chính ngành nông nghiệp, tự động hóa nông nghiệp, ứng dụng Internet để bán hàng nông sản…
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự án cà phê bền vững, Công ty Simexco Đắk Lắk
|
Em Đặng Thị Vân, lớp 11A7, Trường THPT Nguyễn Huệ tâm sự: “Uớc mơ của em sau này là trở thành kỹ sư nông nghiệp. Sau khi được tham dự chương trình này, em càng thêm vững tin với lựa chọn của mình”. Còn bạn Trần Thị Thu Thủy, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Nguyễn Huệ thì bày tỏ quyết tâm sẽ học ngành Luật để có thể giúp người nông dân xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản cũng như những quyền lợi khác.
“Trở về với nông nghiệp” là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Sáng kiến cảnh quan bền vững (ISLA) với sự tài trợ của Tổ chức sáng kiến Thương mại bền vững Hà Lan (IDH) và Tập đoàn JDE (Hà Lan). Đây là lần thứ 2 Công ty Simexco Đắk Lắk phối hợp tổ chức chương trình này. Theo đánh giá của thầy Lê Văn Luân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Trở về với nông nghiệp” rất thiết thực, giúp các em học sinh có thêm kiến thức, căn cứ để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với hoàn cảnh gia đình, thế mạnh địa phương và thêm cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc